Trước nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng dân cư cùng các cơ quan chức năng, cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) là Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã khẩn trương tiếp thu, bổ sung nhằm hoàn thiện một số nội dung. Bản Quy hoạch sau khi hoàn thiện vừa mang tính khái quát, vừa làm rõ nét hơn các không gian phát triển cho Thủ đô trong giai đoạn tới.
Làm sắc nét hơn các khâu đột phá
Từ cuối tháng 2/2024 đến nay, Quy hoạch Thủ đô đã tiến thêm những bước đặc biệt quan trọng: Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thống nhất thông qua ngày 23/2; Đảng đoàn Quốc hội góp ý tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 5/3; Thường trực Thành ủy thông qua ngày 13/3; Ban Thường vụ Thành ủy thông qua ngày 20/3; Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua ngày 27/3; HĐND TP thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 29/3 vừa qua.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, qua các hội nghị, với tinh thần khẩn trương và mong muốn Quy hoạch Thủ đô đạt chất lượng cao nhất, Viện đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý nhằm hoàn thiện một số nội dung.
Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử; đây là cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô.
“Đặc biệt, về quan điểm phát triển Thủ đô đã được rà soát, hoàn thiện. Trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển Thủ đô gắn với 3 chuyển đổi: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; nhấn mạnh vai trò của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước theo định hướng của Quy hoạch Quốc gia và các Nghị quyết của T.Ư”- ông Lê Ngọc Anh chia sẻ.
Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá cũng được làm sắc nét hơn, trong đó nhấn mạnh đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng.
Quy hoạch xác định giai đoạn đến năm 2030 tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là việc đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị để giải quyết triệt để vấn đề giao thông khu vực nội đô; xây dựng hệ thống cầu vượt sông nhằm phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng; nghiên cứu, xây dựng sân bay quốc tế thứ hai và sử dụng sân bay lưỡng dụng.
Phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, tạo bước chuyển nhanh trong tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng nhấn mạnh ưu tiên thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả hệ thống sông, hồ cho phát triển xanh và du lịch Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, đơn vị lập quy hoạch cũng đã làm rõ hơn định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh và bổ sung các phương án phát triển kinh tế đô thị là khu vực động lực của kinh tế Thủ đô; xác định rõ hơn vai trò quan trọng của công nghiệp để kinh tế Hà Nội có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới, giúp Hà Nội thực hiện vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Nhấn mạnh vai trò của văn hóa
Ông Lê Ngọc Anh cho biết thêm, Quy hoạch Thủ đô đến giai đoạn hiện nay đã làm rõ, nhấn mạnh hơn vai trò của văn hóa; xác định văn hóa, con người vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, đơn vị lập quy hoạch bổ sung thêm nhiều phương án quy hoạch, các giải pháp bảo tồn, phát huy, khai thác lợi thế, giá trị văn hóa, phát triển các không gian văn hóa của Thủ đô Hà Nội, nâng tầm bằng công nghệ số để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Đồng thời, bổ sung thêm nội dung nghiên cứu, xác định một số không gian văn hóa, di sản để đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh TP toàn cầu.
Ngoài ra, các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng đã hoàn thiện rõ nét.
Phát triển đô thị tiếp tục được khẳng định nhất quán theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các TP, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển Thủ đô.
Đồng thời, nghiên cứu, hình thành các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); đô thị đại học; đô thị sân bay; mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; đô thị 15 phút...
Đối với khu vực nông thôn, xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa kỹ nghệ; xây dựng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ để bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị phục vụ du lịch.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô sau khi tiếp thu, hoàn thiện những nội dung theo chỉ đạo, góp ý của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng thẩm định, lãnh đạo Thành ủy, HĐND TP Hà Nội đã được nâng cao chất lượng.
Bản quy hoạch sau khi hoàn thiện vừa mang tính khái quát, thể hiện những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới; đồng thời làm rõ nét hơn các không gian phát triển của các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển Thủ đô.
Đồng thời, làm rõ hơn những nội dung cụ thể để Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt vai trò cực tăng trưởng, động lực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Một nội dung quan trọng của Quy hoạch Thủ đô cũng đã được rà soát, hoàn thiện, đó là sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước. Nhất là phương án quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội được làm rõ hơn. Đây chính là động lực quan trọng phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh