Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện thể chế - cốt lõi thúc đẩy chất lượng tăng trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/1, tiếp tục chương trình làm việc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thảo luận về các văn kiện Đại hội XII.

Ngoài khẳng định những thành tựu nổi bật của các bộ, ngành, địa phương  5 năm qua và nhìn lại 30 năm đổi mới, các đại biểu cũng chia sẻ những bài học và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội,  xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam là đại biểu tham luận đầu tiên. Quanh vấn đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh" - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh hiện nay. Đồng thời khẳng định “hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, thì phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng và sáng tạo khoa học – công nghệ, hội nhập quốc tế thắng lợi.
Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội và các đại biểu tham dự Đại hội. 	Ảnh: TTXVN
Đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội và các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: TTXVN
Đặt ra vấn đề cần “tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Mai Văn Ninh nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện nay, tính chiến đấu trên lĩnh vực tư tưởng là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là đấu tranh với các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, bảo vệ cái đúng, bảo vệ nhân tố mới, mô hình mới; tăng cường đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác trên cơ sở tôn trọng nhau, đó là con đường ngắn nhất để con người đến với con người. Từ đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Kiên quyết không để bị động, bất ngờ về chiến lược
Cần bổ sung các chỉ tiêu liên quan đến cơ cấu ngân sách, phấn đấu cơ cấu thu ngân sách 80% là thu từ nội địa; các khoản thu từ dầu thô, thuế nhập khẩu, bán quyền sử dụng đất giảm hơn 5% trong tổng thu ngân sách. Nếu đạt được cơ cấu này mới đảm bảo được ổn định và phát triển về ngân sách trong tình hình giá dầu thô biến động hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Đỗ Hoàng Tuấn Anh

Tại Đại hội, đưa ra những dự báo về tình hình thế giới trong 5 năm tới, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định: Trong những năm tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình tiếp tục có những biến động phức tạp… Từ thực tế, Đại tướng đã đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp chính mà Quân đội sẽ tập trung thực hiện để làm tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ về chiến lược. Xây dựng nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong Nhân dân, từ Nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào. “Đẩy mạnh xây dựng quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh đến diễn biến phức tạp của tình hình an ninh trật tự, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ 5 bài học rút ra của lực lượng công an: Sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối về mọi mặt của Đảng; đổi mới công tác công an coi trọng chất lượng, hiệu quả, phục vụ Nhân dân; phối hợp, hiệp đồng; xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, cán bộ giỏi; mở rộng quan hệ đối ngoại… Đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ trong thời gian tới như: quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng; nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích dự báo, nhận diện sớm các nguy cơ về an ninh; kịp thời triệt phá các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm, không để oan sai… Tạo ra thế trận toàn dân phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng xã hội an toàn, kỷ cương, lành mạnh, chấp hành pháp luật.

Quốc gia phát triển phải có hệ thống giao thông hiện đại

"Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh" là chủ đề Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tham luận trước Đại hội. Ngoài việc làm rõ một số kết quả nổi bật của ngành GTVT thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Bộ trưởng đưa ra những giải pháp có tính đột phá để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm tới, theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Đồng thời với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000km đường bộ cao tốc. Về đường sắt tập trung nâng cấp đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h đối với tàu hàng và các tuyến Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn. Nghiên cứu phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435mm, điện khí hóa, dùng chung cho tàu khách và tàu hàng, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160 - 200km/h, như đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng....

“Với nhận thức một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành T.Ư Khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định và cho rằng, những gì ngành đã làm được trong thời gian qua mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng, mới mong có thể hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề hơn trong những năm tới đây.

Hội nhập là phương tiện để đổi mới nền kinh tế

Những giải pháp cho hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tới. Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Để kinh tế thị trường định hướng XHCN đi vào cuộc sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chịu tác động sâu sắc, nhiều chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong quá trình rà soát, cần xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta, cần tính đến các đặc thù của từng vùng, từng địa phương.... “Hà Nội tiên phong thực hiện thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng cả nước”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. (xem toàn văn bài tham luận trên báo Kinh tế & Đô thị).

Từ thực tiễn của TP Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến 5 nội dung chính yếu trong việc định hình các giải pháp về nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Trong đó, nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế là nội dung cốt lõi nhất để thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng. Chính những ràng buộc về thể chế, chính những cơ chế vận hành trong các điều kiện cụ thể về nguồn lực, về môi trường, về các ngành có giá trị gia tăng cao, về phát triển khoa học công nghệ, về nâng cao năng suất,... là những yếu tố tạo nên những động cơ cho tăng trưởng, quyết định khoảng cách giữa chủ trương và hiện thực. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, “hội nhập không phải là mục tiêu, mà là phương tiện để phục vụ đổi mới toàn diện phát triển đất nước. Do đó, sử dụng những “sức ép” đến từ quá trình hội nhập quốc tế để hình thành các động lực mới, tạo ra sự đột phá trong chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trong đó, nên quan tâm đến 3 yếu tố: Hệ thống thông tin theo dõi các loại thị trường phải được tổ chức tốt và hiệu quả để đủ cơ sở dự báo được các biến động, rủi ro khi tham gia vào sân chơi quốc tế; Xây dựng và phát triển các kênh kết nối giữa chính quyền với DN; Đặc biệt chú ý đến thị trường tài chính và thị trường bán buôn - bán lẻ, theo dõi các biến động, dự báo nguy cơ và tận dụng thời cơ để có những chiến lược tác động phù hợp...”.

Trong bài tham luận được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người điều hành phiên thảo luận nhận xét là “thẳng thắn và đưa ra nhiều kiến giải về các vấn đề phát triển kinh tế trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Để thực hiện mục tiêu đổi mới thể chế kinh tế, một trong ba khâu đột phá của Đảng ta, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới tập hợp những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Thế giới và trong nước để xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Trong đó chỉ ra, thúc đẩy hiện đại hoá nền kinh tế cần song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân. Gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các TP và vùng lân cận...

Trong ngày, các đại biểu đại diện các ngành, địa phương đã có nhiều tham luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại ngành, địa phương, góp phần cho sự phát triển chung của đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Kỳ vọng tâm huyết
Kiên trì làm cho Đảng thực sự trong sạch
Hoàn thiện thể chế - cốt lõi thúc đẩy chất lượng tăng trưởng - Ảnh 1Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI ngoài việc nêu những thành tựu đã đề cập cụ thể đến những hạn chế, khuyết điểm. Việc thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của mình đã làm cho các tầng lớp Nhân dân tin tưởng Đại hội thực sự đổi mới, thể hiện một quyết tâm chính trị rất cao. Câu chuyện còn lại bây giờ là phải kiên quyết, kiên trì làm cho Đảng ta thật sự trong sạch. Muốn vậy không chỉ là công tác phòng chống tham nhũng mà còn phải làm mạnh công tác phòng trừ, giáo dục, phòng ngừa để không có các cán bộ đảng viên sai phạm. Theo tôi muốn chống tham nhũng phải có các giải pháp đồng bộ, không thể có một giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề này. Nếu người ta cảm thấy xấu hổ vì hành vi tham nhũng của người ta thì khi đó người ta mới không phạm pháp, còn pháp luật chặt chẽ đến đâu họ vẫn có thể lách luật nếu họ có động cơ xấu.
Thiếu tướng Trương Giang Long - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân

Phát triển nhanh và giàu mạnh hơn
Hoàn thiện thể chế - cốt lõi thúc đẩy chất lượng tăng trưởng - Ảnh 2Báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Khóa XI về các văn kiện Đại hội XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại buổi khai mạc Đại hội XII thực sự là bản tổng kết đầy trí tuệ của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo cả nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại nhiệm kỳ (2010 - 2015), đã giành thành tựu to lớn toàn diện trong giai đoạn qua. Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, tồn tại và những giải pháp, quyết tâm khắc phục của Đảng ta cũng như bộ máy chính quyền các cấp, từ T.Ư đến cơ sở tới đây; đồng thời cũng đặt ra những định hướng lớn, mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng đất nước trong giai đoạn tới, cô đọng, bài bản, khoa học, có lộ trình cụ thể… Tôi hoàn toàn tin tưởng, Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ thành công tốt đẹp, lãnh đạo đất nước ta, bước sang giai đoạn mới, sẽ phát triển nhanh và giàu mạnh hơn.
PGS. TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Hà Nội  

Thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở
Hoàn thiện thể chế - cốt lõi thúc đẩy chất lượng tăng trưởng - Ảnh 3Một vấn đề mà cán bộ, Đảng viên, Nhân dân rất kỳ vọng từ Đại hội (ĐH) Đảng lần thứ XII này là sẽ nâng cao được chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trên thực tế, dù Pháp lệnh 34 của Quốc hội theo tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được triển khai từ nhiều năm nay, song tôi thấy cũng còn nhiều hạn chế. Người dân mong muốn Nhà nước tiếp tục mở rộng dân chủ, muốn thực hiện dân chủ phải có pháp luật. Tôi kiến nghị Nhà nước ban hành những đạo luật liên quan đến quyền dân chủ của Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân mà Hiến pháp đã quy định. Đồng thời, tôi nghĩ cần phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội trong việc giám sát và phản biện xã hội, nhất là với những vấn đề dân sinh bức xúc.
Ông Nguyễn Chí Thức - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng