Những đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU khởi xướng từ năm 2005, nhưng hầu như không tiến triển. Đầu năm nay, EU đã quyết định đẩy nhanh chuỗi đàm phán này như điều kiện thúc giục Ankara hỗ trợ châu Âu kiểm soát dòng người di cư. Theo một thỏa thuận đạt được hồi tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ với vị trí địa lý là cửa ngõ vào châu Âu sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận phần lớn lượng người di cư. Đổi lại, EU cam kết cung cấp cho Ankara các khoản hỗ trợ tài chính, lời hứa miễn thị thực và tăng tốc các đàm phán về tư cách thành viên của nước này trong EU.
Tuy nhiên, Thủ tướng Áo hôm 7/8 khẳng định, các đàm phán mở rộng nhằm cho phép Ankara gia nhập EU nên dừng lại. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng thừa nhận Ankara “chưa sẵn sàng” trở thành một phần của EU ít nhất trong vài năm tới. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel hôm 8/8 cũng cho rằng, đây là viễn cảnh của “10 tới 20 năm tới”. Tuyên bố cứng rắn từ phía châu Âu xuất hiện trong bối cảnh chính quyền Ankara đang trong làn sóng thanh trừng mở rộng hậu cuộc đảo chính bất thành vừa qua. Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan theo đuổi các vụ kiện, xét xử những nhân vật liên quan và thậm chí dùng đây làm cớ khôi phục án tử hình, đã vấp phải chỉ trích của phương Tây, vốn lấy nhân đạo làm giá trị cốt lõi. 11 năm trước, EU kỳ vọng chính quyền Ankara có thể đại diện cho tiếng nói của một nền dân chủ và kinh tế vững mạnh khi gia nhập khối. Nhưng hiện nay, Tổng thống Erdogan dưới con mắt châu Âu từ một nhà cải cách đang dần chuyển thành kẻ độc tài, đặc biệt là với làn sóng thanh trừng hậu cuộc đảo chính bất thành vừa qua. Bên cạnh đó, thời điểm này, Ankara chưa chắc đã tha thiết với EU, tờ DW nhận định. Việc EU đe dọa trì hoãn tiến trình gia nhập khối liên minh không biết có khả năng kiềm chế những hành động của Ankara hay không, nhưng trước hết sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận di cư EU - Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần làm trầm trọng cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Và với động thái này, EU đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích gần lại với Nga. Mối quan hệ Nga – Thổ đã ấm lên từ sau khi Tổng thống Erdogan xin lỗi vụ Ankara bắn rơi chiến đấu cơ của Nga. Chuyến thăm cấp nguyên thủ hai nước dự kiến diễn ra vào hôm nay (9/8). Mặt khác, từ một đồng minh đầy triển vọng của cả Mỹ và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần trở thành một đối tác đáng nghi ngại và khó tin cậy trên trường quốc tế trước những chính sách ngoại giao “quá linh hoạt” của ông Erdogan. Chuyến thăm Nga của vị Tổng thống này có đạt thành tựu nào thì cũng nên đặt dấu hỏi về độ bền và sự khả thi của chúng.
Việc trì hoãn tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu. |