Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàng Công Lương có phạm tội “Vô ý làm chết người”?

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lỏng lẻo trong công tác bàn giao vận hành thiết bị y tế là một phần nguyên nhân dẫn đến sự cố gây hậu quả nghiêm trọng. Liệu Hoàng Công Lương có “Vô ý làm chết người”?.

Các bị cáo tại phiên toà 
Ngày 16/1, TAND TP Hoà Bình tiếp tục xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và những người có trách nhiệm trong vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình.
Trong phiên xét xử ngày thứ 3, HĐXX tiếp tục điều hành nội dung xét hỏi và đặc biệt chú trọng về quy trình giám sát, bàn giao khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước. Bị cáo Hoàng Công Lương đã bất ngờ sử dụng quyền im lặng tại toà và áp dụng quyền này với chính câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình. Trước đó tại toà, bị cáo Lương phủ nhận trách nhiệm của mình khi trong hệ thống lọc nước RO số 2 có tồn dư hoá chất.
Diễn giải cũng như tự bào chữa, bị cáo Lương nêu quy định, quy trình thực tế của BVĐK tỉnh Hoà Bình và cho rằng để nước có tồn dư hoá chất thì kỹ sư của Phòng Vật tư y tế phải chịu trách nhiệm. Về công tác bàn giao, phòng Vật tư y tế giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng hệ thống thì được hiểu chất lượng nước đã an toàn. Việc bàn giao này được thực hiện bằng miệng thông qua thông báo của các điều dưỡng.
Trước khi phát sinh sự cố, Trưởng phòng Vật tư y tế Trần Văn Thắng không thông báo cho bị cáo Lương, nhưng nhân viên Phòng Vật tư y tế là bị cáo Trần Văn Sơn đã thông báo cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp. Việc bị cáo Sơn và bị cáo Khiếu không thông báo, ông Hoàng Công Tình không thông báo vì không có quy định nào về việc trưởng - phó khoa đồng ý mới được sử dụng nước RO. Từ trước đến nay, khi Phòng Vật tư y tế giao thì Đơn nguyên thận nhân tạo sẽ tiếp tục sử dụng.
Giải trình tại phiên toà, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - người trực tiếp bảo dưỡng hệ thống lọc nước cho biết, đã nhiều lần sửa chữa hệ thống RO số 2. Theo bị cáo, tùy theo màng cặn hay không cặn mà dùng các liều lượng hóa chất với nhau và suốt 12 năm hành nghề chưa hề có quy định nào về thời gian sục rửa màng RO. Do muốn màng đảm bảo sạch nên bị cáo Quốc đã dùng hóa chất. Trong việc bàn giao thiết bị, Bùi Mạnh Quốc chỉ làm việc với bị cáo Sơn. Chiều trước khi xảy ra sự cố, bị cáo Quốc có gọi cho bị cáo Sơn lấy mẫu nước, ngày hôm sau vào thì thấy máy chạy thận đã bật và có hỏi cán bộ (điều dưỡng Hằng) ở đó nhưng không được trả lời. Sau đó sự cố xảy ra.
Trong nhóm tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Trần Văn Sơn tại phiên toà đã thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng truy tố. Theo cáo trạng, trong quá trình bị cáo Quốc sửa chữa hệ thống RO số 2, bị cáo Sơn đã không có mặt để giám sát, chỉ trao đổi qua điện thoại. Sau đó, biết rõ bị cáo Quốc chưa lấy mẫu nước đi xét nghiệm nhưng sáng ngày 29/5/2017 khi có mặt tại Đơn nguyên lọc máu, bị cáo Sơn vẫn để cho Đơn nguyên thận nhân tạo đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Diễn giải về quy trình giám sát, bàn giao hệ thống lọc nước, bị cáo Trần Văn Thắng (nguyên trưởng Phòng vật tư y tế) cho biết, khi sửa chữa xong, giữa Phòng Vật tư y tế và Đơn nguyên Thận nhân tạo chưa bàn giao bằng biên bản. Việc bàn giao bằng văn bản chỉ làm sau khi sự cố xẩy ra. Trước khi sự cố xẩy ra 1 ngày, bị cáo Sơn có báo cáo việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO số 2 đã xong. Tuy nhiên, bị cáo Thắng biết là hệ thống xong về mặt sửa chữa, còn việc xét nghiệm chất lượng nước là chưa xong. Thời điểm này, bị cáo Thắng có chỉ đạo bị cáo Sơn làm thủ tục tiếp theo, đó là bàn giao tài sản cho khoa, tham gia lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Tuy nhiên, bị cáo Thắng đã không có lời cảnh báo khi Đơn nguyên thận nhân tạo vận hành máy chạy thận. Bị cáo Thắng cho rằng, cảnh báo không thuộc trách nhiệm của mình…
Toà sẽ tiếp tục xét xử vào ngày mai 17/1.