Phó trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Trần Thị Quế Lan cho biết, trên địa bàn quận có 11 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối (chợ Đầu mối phía Nam); 1 chợ hạng 2 ; 9 chợ hạng 3 với tổng số 350 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.
Phó trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Trần Thị Quế Lan cho biết, trên địa bàn quận có 11 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối (chợ Đầu mối phía Nam); 1 chợ hạng 2 ; 9 chợ hạng 3 với tổng số 350 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chủ yếu là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quán cơm bình dân để phục vụ Nhân dân trên địa bàn quận, rất ít các nhà hàng, khách sạn.
Toàn quận có 3.696 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 11 chợ đang hoạt động, không có chợ cóc. Trong Tháng hành động vì ATTP 2024, quận thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó, 5 đoàn tuyến quận; 14 đoàn tuyến phường.
Đến nay, các đoàn đã kiểm tra giám sát ATTP tại 20 bếp ăn trường học của các trường; kiểm tra việc thực hiện ký cam kết đối với cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tính đến nay có 1.662 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, không phát hiện cơ sở chưa đạt yêu cầu.
Triển khai Tháng hành động vì ATTP từ 15/4 đến nay, các đoàn đã kiểm tra, giám sát 225 cơ sở, trong đó, 199 cơ sở đạt (tỷ lệ 88,44%); xử phạt 26 cơ sở với gần 130 triệu đồng, hủy hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc (giá trị hơn 82 đồng). Các vi phạm chủ yếu là cam kết ATTP, điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người.
Qua kiểm tra thực tế tại siêu thị MM Mega Market Việt Nam (địa chỉ 126 đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), Đoàn kiểm tra liên ngành của TP ghi nhận, các mặt hàng bánh, rau củ quả, trái cây đều bố trí sắp xếp riêng biệt, khoa học, có giá kệ, vệ sinh sạch sẽ.
Tuy nhiên, đoàn liên ngành lưu ý cơ sở, các sản phẩm đông lạnh cần bảo quản ở nhiệt độ theo đúng quy định của nhà sản xuất. Đặc biệt, cơ sở có hình thức xử lý, tiêu hủy các sản phẩm hết “date” tại khu vực hàng chờ hủy. Ngoài ra, cơ sở cần bổ sung hồ sơ pháp lý đầy đủ.
Tại buổi kiểm tra, Đoàn đã lấy mẫu hàn the trong sản phẩm sủi cảo, kết quả xét nghiệm âm tính.
Kết thúc buổi kiểm tra, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, các đoàn kiểm tra của quận tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra ATTP, đặc biệt tập trung vào việc hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân được biết.
Cùng với công tác kiểm tra, các đoàn cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm vệ sinh, ATTP.
“Quan điểm chung của TP là phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm về ATTP, phải xử lý theo đúng quy định; tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
Để tiếp tục triển khai Tháng hành động vì ATTP đạt hiệu quả, công tác kiểm tra cần xử lý nghiêm các vi phạm, công khai các vi phạm để người dân biết. Sau xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo ATTP các địa phương phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở” - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh.
Trong Tháng hành động, TP tập trung xử lý các vi phạm về ATTP và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa Hè đang đến. Đặc biệt, ngành y tế chú trọng thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
Ngoài ra, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, không chỉ trong Tháng hành động mà xuyên suốt từng năm. Qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Liên quan đến công tác thanh kiểm tra trong Tháng hành động, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các đơn vị, địa phương phải bảo đảm thực chất; kiểm tra đột xuất, tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm, quá trình kiểm tra phải bảo đảm triệt để, qua đó có biện pháp xử lý. Các địa phương rà soát lại việc thiết lập và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân phục vụ công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Trong quá trình triển khai Tháng hành động, cùng với việc phát hiện, xử phạt, các đơn vị công khai vi phạm để có sức răn đe, các đơn vị cần truyền thông, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong kiểm soát, bảo đảm ATTP.