Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàng Nhuận Cầm – Người lạc thời (phần 2)

Nhà thơ Vi Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi qua bom đạn tàn khốc, chiến trường, người lính Hoàng Nhuận Cầm đã trở về lành lặn. Còn đời thường và tình trường, ông đầy những vết thương.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ chiến trường

Hoàng Nhuận Cầm thường cộng tác với các báo chí bằng thơ. Những bài thơ đầy sức sống của một thương hiệu bền sáng. Đâu chỉ thơ tình cho lứa đôi, mà thơ của người khát sống, ăm ắp tin yêu, dù vì yêu mà đau khổ, không ngớt lạc quan và hy vọng. Sợ hãi tổn thương thất vọng, vẫn tin ở hòa bình, lương thiện, ở tình người, bởi "Bồ câu không chết trẻ bao giờ", dẫu những người đàn bà lần lượt rời bỏ Anh: "Em hay là cơn bão tự ngàn xa / Quả tim Anh như căn nhà bé nhỏ / Gió em vào - nếu chán - gió lại ra". Hoàng Nhuận Cầm, chàng trai Hà Nội xung phong vào chiến trường khi 19 tuổi, xông pha lửa đạn ác liệt và được nguyệt quế thơ khi mới 22 tuổi - Giải nhất Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972 - 2973.

Hòa bình, Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục học khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 21. Năm 1979, ông lại lên biên giới đọc thơ cho các chiến sĩ mà anh suốt đời coi họ là đồng đội. ông về Hãng phim truyện Việt Nam công tác từ 1981, năm vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngày 24/4/2012, Mùi cỏ cháy phát hành. Bộ phim truyện nhựa do ông biên kịch, ra mắt khi ở tuổi 60, là phim chiến tranh gây xúc động lớn, được chọn gửi thi giải Oscar hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Đây là phim nhựa cuối cùng của anh và là tác phẩm lớn thành công nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Nguyễn Hữu Mười. Dựa theo nhật kí Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, phim là tuổi trẻ, máu xương của Hoàng Nhuận Cầm đồng đội.

Hoàng Nhuận Cầm giản dị, nhiều khi xuề xòa trong ăn, mặc, nhưng các sự kiện quan trọng anh đóng bộ complet, cravate đầy đủ. Đến với bộ đội, là ông mặc quân phục. Trong căn nhà đầy sách, bản thảo, người đàn ông ấy ít đầu tư quần áo, giầy mũ, đồng hồ. Bộ quần áo lính luôn nâng niu nhất.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (ở giữa) tại phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam (ảnh VOV)

Thăng hoa cùng thơ đến phút cuối

TS Ngôn ngữ Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: "Tôi sinh năm 1980, chơi với anh Cầm từ 2009, khi anh và chị Điệp Vân còn hạnh phúc. Mẹ già của anh sống một mình ở Đầm Trấu, thỉnh thoảng cô con gái ở gần chạy qua. Tháng 7/2020, từ ý tưởng của Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trần Nhật Minh, chương trình Đôi bạn văn chương (VOV6), tôi phụ trách, phát lúc 22h30 tối thứ Tư hằng tuần trên sóng FM 96,5Mhz, được phát lại vào thứ Tư kế tiếp. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là khách mời thường xuyên, tôi làm MC. Có lần tôi và anh cùng làm chương trình Tiếng thơ đêm giao thừa 2020. Chương trình Khách đến chơi nhà (VOV2), cũng 2 tuần/số (30 phút). Thu phát "nguội", nhiều khi phải dừng vì nhà thơ ho nhiều. Chúng tôi thu tại A14, tòa nhà 39 Bà Triệu. Lúc mới về Đài tôi tưởng không có thang máy, sau biết có thì dùng ngay. Thang máy lệch tầng, nên dù đi thang máy thì vẫn phải đi thêm một nhịp cầu thang nữa, dù lên hoặc xuống, Hoàng Nhuận Cầm cứ đi một tí là phải dừng để thở. Leo hay không leo thì cứ một đoạn là hổn hển. Phổi yếu lại tắc nghẽn mãn tính, hành ông nhiều năm. Nhưng cứ nói về thơ, dù ở góc quán, nhà hàng, hội trường, sân khấu hay phòng thu, anh đều thăng hoa tưng bừng". Bừng cháy, dồn hết hơi thở trong lá phổi tổn thương, để đọc thơ, từ thời trẻ trai tới lão niên, Cầm nào có khác. Anh lao động cường độ cao đến lao lực, đã từng có lúc phát điên vì những ác nghiệt của người ruột thịt trong nhà.

Thi sĩ ấy, không chỉ làm mê hoặc triệu trái tim, fan đích thực mê mải chép thơ ông từ gần 50 năm trên đến sinh viên 4.0 bây giờ, những cô cậu có tâm hồn yêu cái đẹp, vẫn hào hứng copy gửi cho nhau, anh còn góp phần động viên lớp lớp chiến sĩ lên đường chiến đấu và dâng hiến bằng những câu thơ găm vào họ một "mồi lửa" hào khí ngoan cường và anh dũng một cách tự tình nguyện vì yêu nước: "Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi / Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu / Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu / Mà môi cười tha thiết Việt Nam ơi!". Anh đã chiến đấu qua vô số cơn đau để chắt sinh lực cho thơ.

Những ngày cuối đời, Hoàng Nhuận Cầm còn trải 2 sự kiện hao tổn sức: 16/4, nói chuyện với các chiến sĩ Lữ đoàn 144 Bộ Tổng tham mưu; 18/4, về Bắc Giang giao lưu với lớp trẻ nhân ngày hội sách. Và 19/4, cuộc gặp gỡ quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh chứng tỏ "Gừng càng già càng cay", khi anh được tin tưởng mời là ủy viên lớn tuổi nhất Hội đồng T.Ư Thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện, nhiệm kì 2021 - 2023. Hội đồng có 9 thành viên. Tại đây, phát biểu đầy nhiệt huyết như thường lệ, nhà biên kịch họ Hoàng khẳng định: "Máy móc công nghệ không thay đổi được con người. Chúng ta tử vì Đạo". Ông coi điện ảnh là Đạo - và từng viết Phục sinh: "Ai trong chúng ta cũng có lúc buồn muốn chết / Vì tình yêu cuộc sống tràn đầy / Nếu phải chết cho tôi xin được chọn / Cái chết nào / Lập tức/ Phục sinh ngay".

Hoàng Nhuận Cầm thi nhân yêu cuộc sống lắm, mới viết được bình thản thế này: "Nếu tôi chết trời xanh bình lặng / Thêm một vì sao nữa rụng rơi / Bạn ngồi uống cà phê có nhớ / Uống cả vì sao ấy hộ tôi". Đọc lại bài Một mai, giật mình khi nhà thơ tiên tri về cái chết. Không ngờ, người của đám đông đã ra đi trong đơn độc sau những bữa ăn qua quýt, lủi thủi, sơ sài:  "Vừa làm xong bài thơ"/ Chả có ai để đọc /Tôi vượt qua màn mưa/ Đúng như một thằng ngốc/ Cuối cùng tôi ngồi khóc/ Trong quán bia bên đường/ Cô bán hàng thấy thương/ Rót cho cốc trà nóng/ Bàn tay tôi lạnh cóng/ Trái tim thì buốt tê/ Ngoài trời mưa như trút/ Chẳng biết đi hay về/ Bỗng vang lên tiếng xe/ Người tôi chờ đã tới /Hơn cả niềm mong đợi/ Hơn cả nỗi hẹn hò/ Đêm nay trong giấc mơ/ Gặp lại cơn mưa ấy/ Lấy tay sờ lên môi/ Thấy hai hàng lệ chảy..." (Viết cho người tri kỷ).

Chiều 20/4, Đỗ Anh Vũ ghé đến nhà vì không thấy Hoàng Nhuận Cầm đến Đài làm việc. Anh biết chắc ông anh đang ở nhà vì xe máy dưới sân điện thoại reo, không ra mở cửa. Linh tính không lành, anh gọi cho chị Điệp Vân, vợ cũ nhà thơ. Chị vướng con nhỏ nên báo con trai Nhật Thành đến. Vũ cũng phải đón con (4 cậu con trai) nên về. Một lúc sau Vũ quay lại, Thành đã đưa cha xuống. Vũ cầm tay anh Cầm, sờ mạch không có, mũi không thở, mắt một nhắm một hờ. Vài phút sau xe cấp cứu, bác sĩ đến sơ cứu ấn tim rồi chở đi và 18h thì Vũ nhận được điện thoại của chị An Thanh báo anh Cầm mất. Người thân thống nhất giờ mất là 16h30. Theo chị Điệp Vân, tối 20/4, có đủ 3 người em ruột và em rể của anh Cầm, nhưng khi đưa thi hài của nhà thơ từ Bệnh viện Thanh Nhàn về nhà lạnh - Nhà Tang lễ Phùng Hưng, chỉ có vợ cả, vợ ba và 2 con trai út. Nhiều năm, nhà thơ không được sự chăm chút của các em mình.

Chiều 24/4/2021, đồng nghiệp, bạn bè, công chúng yêu thơ sẽ tiễn biệt ông. Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tang lễ cho Hoàng Nhuận Cầm, chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn. Sau"cuộc biệt ly" ngắn chỉ một tiếng đồng hồ, thi sĩ được hỏa táng rồi chôn cất bên mộ cha, tại Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì.