Tuy nhiên, chỉ có những dự án có hồ sơ pháp lý đầy đủ, vị trí đẹp, giá hấp dẫn (giảm 25 - 40% so với thời sốt nóng), tính thanh khoản cao mới được người mua đặt lên bàn đàm phán. Bởi nguồn cung thực tế trên thị trường rất nhiều, đa dạng loại hình, vị trí, người mua dễ dàng chọn lựa. Mặt khác, đối tượng mua không còn là "đi buôn" mà mua với mục đích rõ ràng để phát triển chuyên nghiệp hoặc làm trụ sở cho chính mình. Tâm lý người bán cũng đã thoáng hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp “khỏe” bán dự án của mình như một hình thức kinh doanh mà không sợ bị đánh giá. Bên cạnh đó, ngoài những giao dịch "mua đứt bán đoạn", thị trường M&A còn xuất hiện nhiều cách thức hợp tác, trong đó nhà đầu tư mới thường nắm cổ phần chi phối, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án. Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh, bởi mua đi bán lại dự án thuận lợi hơn rất nhiều so với việc triển khai từ đầu. Tuy nhiên, để các thương vụ M&A thành công cần sự hỗ trợ, cải cách, mở cửa thủ tục hơn của cơ quan quản lý Nhà nước.