Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ phải đổi mới

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đang đứng trước thách thức to lớn của việc phải đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, như vấn đề tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp…

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024, do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức, ngày 29/3.

Tăng 2 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Hội nghị Sở hữu trí tuệ hàng năm đã trở thành diễn đàn quan trọng của ngành khoa học và công nghệ, nơi Bộ Khoa học và Công nghệ, trực tiếp là Cục Sở hữu trí tuệ báo cáo về hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ tại Trung ương. Hội nghị cũng là nơi để trao đổi về hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, ở các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Bộ trưởng Bộ Khoa học cà Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Khoa học cà Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị năm nay được tổ chức tại Hà Nội càng có ý nghĩa hơn khi Hà Nội là thành phố đứng đầu trong Bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023. Đây cũng là địa phương có tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đứng đầu cả nước. Các kinh nghiệm của Hà Nội trong việc xây dựng và khai thác tài sản trí tuệ sẽ được học hỏi, nhân rộng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hoạt động sở hữu trí tuệ của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2023, hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Các hoạt động hỗ trợ xác lập, bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh; số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được xử lý tăng 13,2% so với năm 2022…

Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022) và là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.

Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước trong xây dựng và khai thác tài sản trí tuệ. Năm 2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 17.539. Số lượng chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp đạt 9.338 đơn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày trong khuôn khổ sự kiện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày trong khuôn khổ sự kiện.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong năm qua, thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn.

Thời gian gần đây, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp tăng lên đáng kể đã góp phần nâng cao giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu kết quả xếp hạng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, nhất là khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, tạo điều kiện cho Thủ đô bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn đánh giá, bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn với hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Nhiều hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đang đứng trước thách thức phải đổi mới để nâng cao hơn nữa, như vấn đề tốc độ và chất lượng xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp; công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp; hiệu quả của hoạt động quản lý tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ, đặc biệt là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương…

 

Năm 2023, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng khá cao (8,5%), trong đó đơn sáng chế tăng 10,6%, đơn kiểu dáng công nghiệp tăng 11,8%; kết quả xử lý đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 13,2% so với năm 2022. Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được duy trì và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy.

Theo Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Văn Bảy, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.

Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp ở cả Trung ương và địa phương.

Qua thực tiễn quản lý các hoạt động sở hữu công nghiệp tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà đề xuất, Hà Nội kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn và xây dựng cơ chế, chính sách về định giá tài sản trí tuệ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp. Tổ chức các đoàn công tác tham khảo kinh nghiệm quản lý, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ ở nước ngoài. Song song, tăng cường phối hợp với địa phương trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.