Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động Quỹ Khuyến nông còn nhiều khó khăn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành, quản lý, qua đó trở thành điểm tựa cho nông dân Thủ đô, Quỹ Khuyến nông Hà Nội cần sớm được tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.

Trong những năm qua, Quỹ Khuyến nông TP đã giúp hàng nghìn hộ dân vay vốn để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quỹ vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc.

Một chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai vay vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Một chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai vay vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho rằng, nếu không có vốn lớn thì hợp tác xã không thể đầu tư mua nông sản cho nông dân khi vào vụ thu hoạch, không thể duy trì được hoạt động theo đề án sản xuất, kinh doanh.

Do đó, các sở, ngành cần tham mưu với TP bổ sung nguồn vốn vay cho Quỹ Khuyến nông và nâng hạn mức cho vay cao hơn để các hợp tác xã đầu tư ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Oai Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ: do quy định của Quỹ Khuyến nông chỉ cho vay với phần vốn lưu động (giống, thức ăn, vật tư, máy móc), không cho vay phát triển cơ sở hạ tầng, nên phần lớn các hộ vay để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, chưa có mô hình nông nghiệp công nghệ cao nào được vay vốn, vì hạn mức cho vay rất thấp so với đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (không quá 500 triệu đồng/dự án).

Còn theo Trưởng phòng Quản lý Quỹ Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Duy Nam, hồ sơ vay vốn phải thực hiện nhiều thủ tục, thời gian hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản của một số hộ dân kéo dài, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Nhiều hộ đang gặp vướng mắc trong khâu thế chấp tài sản để vay vốn do khung giá đất thổ cư rất thấp, thậm chí có hộ phải thế chấp tới 2 mảnh đất mới đáp ứng yêu cầu được vay.

Đáng nói, trong tình hình mới, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất đa dạng, nhiều ngành nghề sử dụng lao động nông thôn chưa có điều kiện để vay vốn Quỹ Khuyến nông do không nằm trong nhóm đối tượng được vay theo quy định. Ngoài ra, thời hạn thuê đất sản xuất ngắn, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của các hộ khi tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ Khuyến nông.

Quá trình thực tế triển khai cho thấy, Quy chế về quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông ban hành kèm theo Quyết định số 142/2007/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND TP Hà Nội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động Quỹ Khuyến nông. Cụ thể, hạn chế về quy mô, đối tượng vay vốn Quỹ Khuyến nông; quy định về tổ chức bộ máy, chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên quản, cán bộ kiêm nhiệm công tác Quỹ Khuyến nông chưa cụ thể.

Trong khi đó, bộ máy tổ chức của Quỹ Khuyến nông thay đổi do bàn giao các Trạm khuyến nông về UBND cấp huyện, thị xã về việc thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông phải kiện toàn các Tiểu ban quản lý Quỹ Khuyến nông huyện, thị xã, công tác quản lý Quỹ Khuyến nông do vậy cũng gặp những khó khăn nhất định.