Hoạt động xây dựng sau nới lỏng giãn cách: Nỗi lo thiếu nhân lực

Thành Luân - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi TP Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó cho phép công trình xây dựng được hoạt động trở lại, nhưng DN xây dựng lại đương đầu với thách thức mới. Đó là thiếu nguồn nhân lực làm việc tại công trường.

Chưa hết nỗi lo
Sau khi TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới, hàng loạt dự án xây dựng trên địa bàn TP đã được khởi động lại.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại nhiều công trình xây dựng, bên cạnh không khí khẩn trương cố gắng về đích đúng hạn, việc phòng, chống dịch bệnh được tuân thủ nghiêm ngặt. Giám đốc CP kỹ thuật và giải pháp công trình ITSPRO Bùi Văn Dũng cho biết, hiện công ty đã hoạt động trở lại để hoàn thiện 2 công trình xây dựng nhà ở thuộc địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) ngay khi TP Hà Nội quyết định nới lỏng giãn cách. Nhưng trên thực tế khối lượng công việc lớn mà chưa thể đẩy nhanh tiến độ.
"Hiện nay, một số hạng mục thi công không thể thực hiện được vì đội ngũ nhân sự quá mỏng. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều anh em công nhân vẫn đang ở quê chưa quay lại làm việc được" - ông Bùi Văn Dũng chia sẻ.
Nhiều công trình xây dựng trở lại sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội,nhưng lại bị thiếu công nhân lao động. (Ảnh: Doãn Thành).
Ở hoàn cảnh tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Betonlab Việt Nam Đỗ Văn Hải cho hay, thiếu nhân lực thi công ở công trường đang là vấn đề khiến nhiều DN xây dựng, đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ lo lắng.
“Công ty tôi sử dụng đa phần nhân lực ngoại tỉnh, trong đó một số tỉnh vẫn đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nên công nhân không thể quay lại làm việc” - ông Đỗ Văn Hải thông tin.
Tăng cường kết nối cung cầu
Ghi nhận từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, vẫn còn nhiều lao động ở các địa phương khác không đủ điều kiện để cấp giấy đi đường nên việc trở lại Thủ đô làm việc gặp khó khăn. Đây cũng là lý do khiến chủ công trình xây dựng, dự án có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do không thể tuyển được lao động.
Trao đổi qua điện thoại, anh Vũ Ngọc Xuân (SN 1985, quê Ninh Bình) công nhân xây dựng tại một công trình trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, khi TP thực hiện giãn cách xã hội, anh tạm thời phải nghỉ việc.
“Hiện nay, khi công trình được thi công trở lại, nhưng nhiều công nhân làm việc cùng tôi chưa thể trở lại, do lo ngại không đủ điều kiện để đi vào TP. Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông nghiệp đang bước vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu, người lao động cũng phải tập trung thu hoạch xong mới quay trở lại làm việc, nên chủ thầu đang rất thiếu công nhân” - anh Vũ Ngọc Xuân nói.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ - việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, nhiều DN, hộ kinh doanh sau khi hoạt động trở lại phải đối mặt với khó khăn do dư thừa lao động, nhưng một số lĩnh vực như xây dựng, cơ khí... bị thiếu hụt.
“Trung tâm đang đề xuất với Sở LĐ - TB&XH rà soát, sàng lọc lao động tự do được hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19 theo chính sách của Chính phủ, TP đang sống trên địa bàn quận, huyện, thị xã để triển khai biện pháp kết nối cung - cầu lao động với đơn vị, DN có nhu cầu sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do. Đồng thời, tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của DN, sau đó, khớp nối với nhu cầu của lao động để kết nối việc làm.

“Các địa phương cần thống nhất một quan điểm về giãn cách xã hội, những khu vực “vùng xanh” hướng dẫn cho phép DN xây dựng hoạt động trở lại căn cứ theo tình hình thực tế. Ngoài ra, nội dung quan trọng không kém là tiêm vaccine cho lực lượng lao động ngành xây dựng cũng cần được quan tâm hơn. Thực tế việc này chưa được xem xét, vì vậy đề nghị ở đâu có công trường thì địa phương đó sẽ bố trí tiêm vaccine cho công nhân để đủ điều kiện trở lại làm việc” - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần