70 năm giải phóng Thủ đô

Học Lịch sử bằng những chuyến đi thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/1, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử”, sự kiện nằm trong chùm hoạt động Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” của T.Ư Đoàn.

Trong buổi tọa đàm, 85 thí sinh xuất sắc lọt vào vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” do T.Ư Đoàn tổ chức đã có dịp gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kiến thức về lịch sử cùng các học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo cô Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên Lịch sử THPT Phan Đình Phùng: Việc dạy môn Lịch sử hiện nay rất áp lực. Lý do, chương trình sách giáo khoa có lượng kiến thức quá nhiều, trong khi đó, thời lượng tiết học Lịch sử quá ít, dẫn đến tình trạng thầy cô giáo phải tìm cách để truyền tải hết lượng kiến thức đó đến với học sinh, điều này khiến các bài giảng không được đầu tư sâu. Đây là một trong những lý do khiến học sinh oải không mấy hứng thú với bộ môn Lịch sử.
Việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử chưa thực sự hiệu quả, lối dạy truyền thống, thầy dạy trò chép vẫn xuất hiện trong giờ học lịch sử. Bên cạnh đó, xã hội hiện nay coi trọng các môn khoa học tự nhiên, điều này phần nào khiến môn Lịch sử bị coi nhẹ. Thực tế, nhiều học sinh cho biết rất thích nghe về những câu chuyện lịch sử nhưng lại không chọn làm môn thi vì lý do đại đa số phụ huynh cho rằng các em theo đuổi môn Lịch sử, tương lai sẽ bấp bênh khó tìm việc làm hơn các môn khoa học tự nhiên.

Nói về việc truyền tải kiến thức trong môn Lịch sử, thí sinh Nguyễn Đức Mạnh - trường THPT Chu Văn An cho biết: Nhà trường nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, lịch sử của trường. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải truyền được cảm hứng cho học sinh; các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải truyền thông các câu chuyện lịch sử. Ở Singapore, họ treo những bức hình nhân vật lịch sử ở nơi công cộng, đặt tên đường là những danh nhân lịch sử, đó là cách để tuyên truyền lịch sử.

Cùng chung quan điểm với nhiều thanh niên, bạn Rufino Aybar - học sinh nước ngoài lớp 11D1 THPT Phan Đình Phùng cho biết: Theo bố mẹ từ Tây Ban Nha sang Việt Nam từ nhỏ và đặc biệt yêu thích lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT gần như coi Lịch sử là môn phụ, điều này làm giảm đi vẻ đẹp quan trọng của bộ môn này. Theo Rufino, cần có những giải pháp để cải thiện chất lượng học cũng như giảng dạy, qua đó giúp học sinh nắm bắt và hiểu sâu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đầu tiên, đổi mới chương trình sách giáo khoa, mặc dù đã có nhiều sửa đổi nhưng nội dung chưa phù hợp với thanh thiếu niên ngày nay. 

Thứ 2, sử dụng tranh ảnh, tài liệu, phim ảnh… về lịch sử Việt Nam trong mỗi tiết học để các bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn. Thứ 3, tổ chức các kỳ thi tìm hiểu về các nhân vật lịch sử; tổ chức các chuyển thăm quan các di tích sự, bảo tang, tượng đài… qua đó, nuôi dưỡng lòng yêu thích môn lịch sử trong mỗi học sinh".