Học ngành kỹ thuật vật liệu dễ tìm việc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn học tốt Kỹ thuật vật liệu cũng như các ngành kỹ thuật khác, các em phải học giỏi môn Toán, Vật lý, Hóa học và Ngoại ngữ. PGS Hoàng Minh Sơn - Phó Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chia sẻ về ngành Kỹ thuật vật liệu đang được triển khai đào tạo tại trường.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, muốn có máy móc, thiết bị hay đồ dùng gia dụng có chất lượng đều phải dựa trên cơ sở công nghệ vật liệu tốt, cũng giống như để nấu cơm ngon thì phải có gạo ngon. Vật liệu kỹ thuật có rất nhiều loại như kim loại, phi kim, điện tử nano, dệt may… Hiện nay, nhiều vật liệu mới được đưa vào sử dụng phục vụ cho cuộc sống, chẳng hạn vật liệu xây dựng với đặc điểm nhẹ, độ bền cao và chịu được nhiệt độ môi trường Việt Nam. Không chỉ nghiên cứu ra công nghệ vật liệu về thủy tinh, kim loại, nhựa phục vụ cuộc sống hàng ngày, người ta còn nghiên cứu vật liệu ứng dụng trong ngành công nghệ vũ trụ, máy bay...

 Ngành Kỹ thuật vật liệu ở ĐH Bách khoa Hà Nội có chương trình đào tạo 4 năm đối với bậc cử nhân và 5 năm đối với kỹ sư. Suốt 4 năm học, sinh viên được đào tạo theo ngành rộng, sau đó học thêm một năm chuyên ngành hẹp hơn về kim loại màu hay vật liệu điện tử nano, polime… Nhiều người hiểu rằng, làm công việc liên quan đến vật liệu kỹ thuật tương đối vất vả. Không hẳn như thế. Xu thế hiện nay, ngay cả vật liệu luyện kim, trừ công nhân, phần lớn các kỹ sư làm công việc nghiên cứu, điều khiển trong phòng điều hòa. Tuy môi trường khắc nghiệt hơn, nhưng khi chấp hành nghiêm các quy định làm việc và thực hiện tốt việc bảo vệ sức khỏe thì không còn là vấn đề.

“Sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội không sợ không tìm được việc làm. Đặc biệt, những ngành ít sinh viên học lại xin việc tốt hơn. Ngành Kỹ thuật vật liệu, đặc biệt là Vật liệu kim loại trong cả nước có rất ít trường đào tạo, cả miền Bắc chỉ có ĐH Bách khoa Hà Nội mỗi năm lấy 100 chỉ tiêu nên cơ hội việc làm, khả năng cạnh tranh tìm kiếm học bổng du học nước ngoài không kém hơn các ngành khác” - PGS Hoàng Minh Sơn cho biết. Nhưng để có việc làm tốt và có sự phát triển hơn nữa trong công việc, yêu cầu người học phải có đam mê, kết quả học tập phải đạt từ trung bình khá trở lên. Khi làm việc phải luôn có tính bền bỉ, nghiêm túc và đam mê công việc.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn, sinh viên ngành Kỹ thuật vật liệu, sau 2 tháng tốt nghiệp có 64% và sau 6 tháng là 90% có việc làm hoặc chỗ học lên cao. Mức thu nhập của ngành này so với các ngành kỹ thuật khác không chênh lệch nhiều. Quan trọng là các em cần bỏ qua yếu tố độ “hot”, nhìn về lâu dài và bản chất của ngành nghề thì sẽ thấy được sự lựa chọn tốt hơn. “Vật liệu là sản phẩm trung gian, nằm bên trong nên ít người để ý. Khi học vật liệu rồi, tự nhiên chúng ta biết nhiều hơn những cái mà người khác không biết. Không những thế, trong quá trình học tập và nghiên cứu, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị từ ngành học tưởng chừng rất khô khan này!” – PGS Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần