Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học nghề - Cánh cửa rộng mở

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn về con đường học nghề với cánh cửa đang mở rộng, PGS.TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học dạy nghề vẫn chưa hết lo lắng cho tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Bài 1: Nếu lựa chọn lại vẫn học nghề

Bài 2: Tự khẳng định bằng chất lượng

Bài 3: Cấp bách nâng cao chất lượng đào tạo

Chất lượng đào tạo chưa tương xứng

Học nghề - Cánh cửa rộng mở - Ảnh 1Tại sao ông lại hoài nghi khi nhiều người cho rằng năm nay, nguồn tuyển của các trường cao đẳng (CĐ) và CĐ nghề (CĐN) rất dồi dào?

- Với tỷ lệ lớn học sinh lớp 12 chỉ muốn thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, năm nay mới có hiện tượng này nên chưa biết xu hướng thế nào. Nhưng theo dự báo, sẽ có một số ít chọn trường nghề vì thấy đang có đến 225.500 người có trình độ cử nhân trở lên không tìm được việc. Cũng có thể họ đi du học nước ngoài hoặc đăng ký vào các trường quốc tế ở trong nước mà không cần xét đến kết quả thi THPT quốc gia. Còn kết quả cụ thể thế nào thì cuối năm nay mới biết được.

Chúng ta đang “thừa thầy thiếu thợ”. Vậy mà theo thông tin mới nhất của Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ thất nghiệp trình độ CĐ đứng thứ hai, sau ĐH. Tại sao vậy, thưa ông?

- Chúng tôi nhiều lần đã nói đến câu chuyện không thừa thầy và không thiếu thợ theo đúng nghĩa thợ. Sở dĩ có “thầy thừa” bởi vì mang danh nghĩa ĐH nhưng chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Hiện nay, các DN đang rất thiếu những người có trình độ cao; các trường ĐH, viện nghiên cứu thiếu chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu. Ở những vùng, ngành mũi nhọn đang rất thiếu thợ lành nghề.

Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo nghề không tương thích với nhu cầu thị trường và cân bằng về trình độ, cơ cấu. Có một số nghề đang rất thiếu nhân lực thì trường lại chạy theo nhu cầu của người học dẫn đến quá thừa. Ví dụ, người ta cần nghề cơ khí thì trường đào tạo kế toán, càng làm dư thừa nhân lực nhiều hơn. Rồi có những nghề đang rất thiếu nhân lực, nhưng chất lượng đào tạo ra lại không đáp ứng nhu cầu của DN.

Chất lượng chưa cao, cụ thể hơn là những yếu tố nào chưa đạt yêu cầu?

- Đó là kỹ năng. Người ta nói chương trình đào tạo nghề có tỷ lệ 30% lý thuyết - 70% thực hành. Tuy nhiên, việc thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Thứ nữa, thiết bị thực hành của nhà trường lạc hậu. Sinh viên (SV) nắm được những kiến thức cơ bản, nhưng khi ra DN lại áp dụng công nghệ mới nên lớ ngớ không thể tham gia vào dây chuyền sản xuất.

Nhà trường - doanh nghiệp trên một con thuyền

Theo ông, có cách nào để hài hòa giữa chất lượng đào tạo với yêu cầu của DN?

- Các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, cả về thiết bị và đội ngũ giáo viên. Giáo viên dạy nghề phải theo đúng nghĩa thầy, biết vận hành và sử dụng thiết bị thành thạo. Đương nhiên, thiết bị cũng phải đổi mới bằng cách một mặt thông qua các dự án đầu tư của Nhà nước. Mặt khác có sự gắn kết chặt chẽ với DN, để đưa SV đến dạy trên chính dây chuyền đang vận hành sản xuất. Câu chuyện này đã được đặt ra nhiều năm và chúng tôi coi DN là một thành tố, công đoạn của quá trình đào tạo. SV đến DN để học thực chứ không đi tham quan. Khi có sự kết nối với nhà trường trong quá trình đào tạo, DN sẽ biết SV nào có năng lực đáp ứng nhu cầu thì tuyển dụng luôn. Cách làm này sẽ không tốn thời gian và chi phí để đào tạo lại.

Ông nhận thấy sự gắn kết giữa nhà trường và DN hiện nay thế nào?

- Hiện, một số trường gắn kết với DN khá tốt thông qua ký kết chương trình hợp tác. Tức là, nhà trường mời những thợ giỏi của DN đến cùng xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy một phần ở trường và hướng dẫn SV vận hành máy móc tại cơ sở sản xuất. Đại diện DN cùng với hội đồng nhà trường đánh giá kết quả thi cuối cùng của SV học nghề. Thế nhưng, để việc gắn kết này mang tính phổ cập thì cần có cơ chế chính sách. DN phải thấy được lợi ích khi tham gia cùng nhà trường đào tạo nghề cho SV. Đương nhiên, DN cũng cần phải tăng cường trách nhiệm xã hội là đào tạo nhân lực cho đất nước và đơn vị mình. Cơ chế chính sách phải làm sao để DN thấy mình và trường nghề đang ngồi trên một con thuyền thì chất lượng đào tạo nghề mới có thể khởi sắc.

Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh, trường nghề phải nâng cao được chất lượng đào tạo để tạo dựng thương hiệu. Làm sao để người ta thấy trường đào tạo nghề tốt thật. Để rồi, khi DN hỏi người đi phỏng vấn tuyển dụng đã học trường A. là nhận vào làm ngay thì đã thành công.

Xin cảm ơn ông!