Học online lớp 1: Từ chỗ khóc không chịu viết, đọc... học sinh đã biết bật cam, giơ tay phát biểu

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1-12/9, cô, trò, phụ huynh lớp 1 đã có khoảng thời gian hữu ích để làm quen với phương thức dạy và học trực tuyến. Nhiều bỡ ngỡ, khó khăn bước đầu đã dần vơi đi để tất cả cùng vững vàng bước vào chương trình chính thức được bắt đầu từ ngày 13/9.

Gia đình cùng đồng hành với con
Sở GD&ĐT có hướng dẫn với HS lớp 1, từ ngày 1-12/9 là thời gian giáo viên chủ nhiệm thống nhất với phụ huynh HS về khung thời gian học tập, làm quen với việc học trực tuyến.
“1-2 ngày đầu, có con còn khóc; không chịu đọc, không chịu viết, không biết cách cầm bút. Cô và các bạn đã dần chuyện trò để “thuyết phục” con không khóc; nhờ ông bà/bố mẹ tiếp tục đồng hành để con đọc, viết. Giờ lớp 100% các con đều đã hòa nhập và quen nếp học. Để các con viết đẹp, viết đúng, cô đã viết mẫu gửi lên nhóm Zalo của lớp để hướng dẫn cả HS cả bố mẹ”- một giáo viên lớp 1 tại quận Thanh Xuân cho biết.
 HS lớp 1 học những nét chữ đầu tiên trong tuần định hướng
Nhiều cô giáo dạy lớp 1 chia sẻ rằng, những ngày học định hướng đầu năm rất hữu ích với HS lớp 1, giúp các con làm quen với cô và các bạn, quen nền nếp học online, biết đổi tên theo đúng tên gọi, vào lớp thì mở cam, tắt míc, khi phát biểu phải giơ tay và mở míc…. Sau 10 ngày học định hướng, mọi việc đã ổn định hơn rất nhiều; từ việc cô, trò, phụ huynh đều lo lắng không biết sẽ dạy như thế nào, tiếp thu ra sao, đồng hành như thế nào… thì giờ đây đã giải tỏa được hết và khẳng định: Dạy được, tiếp thu được và đồng hành được.
Theo cô giáo lớp 1 Nguyễn Thị Hoài Thu, trường Tiểu học Đồng Phú, huyện Chương Mỹ thì tuần đầu định hướng mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Cô và trò cũng làm quen với nhau, với sách, vở, cách cầm phấn, học các nét cơ bản, tập viết bảng, vở, tập đọc bảng chữ cái… Các cô giáo rất xúc động khi nhận được sự hỗ trợ của phụ huynh. Có những gia đình bố mẹ làm ở trạm y tế xã, làm công nhân… không có thời gian đồng hành cùng con nhưng được ông bà kèm cặp, ngồi học cùng rất chu đáo, tận tình.
“Hiện các con đã bắt đầu viết nét, viết số, cô giao mỗi ngày viết 1-2 dòng nét hoặc số để gửi cô kiểm tra, chấm qua phần mềm Azota; qua đó cô biết được bạn nào đã viết được, bạn nào chưa viết được; ngoài ra cô cũng nắm sơ bộ được về tình hình của từng HS, về tính nết và hoàn cảnh của từng con để có phương pháp dạy và hỗ trợ phù hợp”- cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên lớp 1 tại huyện Gia Lâm  cho biết.
Phụ huynh mong tiếp tục giảm thời gian tiết học
Ngoài học trực tuyến với cô, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp 1 hướng dẫn phụ huynh, HS theo dõi các tiết dạy trực tiếp được phát sóng trên kênh VTV7 vào các khung giờ cố định để HS làm quen với cách học trên truyền hình. Từ ngày 13/9 đến 30/9/2021 (nếu HS chưa được trở lại trường) sẽ tiến hành giảng dạy chương trình năm học mới theo hình thức trực tuyến (thời lượng tối đa 3 tiết/ngày trong phòng trực tuyến với giáo viên), sắp xếp khung thời gian học và các môn học phù hợp tránh gây áp lực cho HS. Các môn học Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, một số bài môn Đạo đức, môn TNXH giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video clip gửi cho phụ huynh HS để giúp con thực hiện các nội dung theo khung giờ phù hợp với từng gia đình.
Thực hiện đúng kế hoạch trên, cô Nguyễn Thị Hương Tuyến - Phó hiệu trường trường Tiểu học Thị trấn A, huyện Đông Anh cho biết: “Qua khảo sát, xin ý kiến phụ huynh, lớp 1 của trường được sắp xếp học buổi tối, từ 19 giờ- 21 giờ thứ 2 đến thứ 6 với 3 tiết học. Ngoài học Toán, Tiếng Việt, các cô cũng xếp xen kẽ các tiết học như mỹ thuật, thể dục, âm nhạc… cho các con bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, cô còn hướng dẫn các con chơi trò chơi, gửi video để các con chủ động thời gian hoàn thành các nội dung khác”.
 HS lớp 1 học 3 tiết/ngày, đảm bảo giờ học bổ ích, lý thú và nhẹ nhàng
“Để có chương trình phù hợp với HS khối 1, các cô giáo tổ chuyên môn đã họp, thống nhất giảm tải những nội dung trùng lặp, phần thực hành, không dạy tràn lan, tránh việc quá tải và HS phải ngồi lâu trước màn hình máy tính. Bên cạnh đó, BGH nhà trường cũng lưu ý giáo viên chủ nhiệm lồng ghép tuyên truyền cho HS các nội dung về phòng chống dịch bệnh Covid- 19, hướng dẫn sử dụng an toàn thiết bị học, phòng chống tai nạn thương tích…”- cô Tuyến cho hay.
Qua khảo sát nhiều trường học khác trên địa bàn TP, thời khóa biểu của lớp 1 đều được sắp xếp hợp lý với 3 tiết/ngày. HS lớp 1 vừa học, vừa chơi, được tham gia trò chuyện, tương tác cùng cô giáo, các bạn cùng sự hướng dẫn của phụ huynh và đều đã nắm được các thao tác với thiết bị học trực tuyến cũng như cách sử dụng đồ dùng học tập. Các cô giáo cũng gửi nội dung, thời gian phát sóng chương trình học trên truyền hình để bố mẹ chủ động cho con học, giúp bổ trợ kiến thức cho các con.
“Với HS khối 1, kiến thức cần được nhắc đi nhắc lại liên tục để HS nhớ, vì vậy nhà trường, cô giáo luôn mong các phụ huynh đồng hành, nhắc nhở con ôn tập, luyện đọc, luyện viết đầy đủ để nhớ mặt chữ và mặt số. Việc học trực tuyến sẽ không thể yêu cầu HS nào cũng viết đúng, viết đẹp và khi đi học trực tiếp, các cô giáo sẽ cầm tay những HS chưa đúng thao tác cầm bút để hướng dẫn lại từ đầu”- cô Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên lớp 1 tại quận Hoàng Mai chia sẻ.
Ngày 13/9, các HS lớp 1 đã bắt đầu ngày học chính thức đầu tiên đúng chương trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Theo ghi nhận, mọi hoạt động dạy và học diễn ra ổn định, HS quen với thao tác vào lớp, ngồi học trật tự và chịu tương tác, thực hiện yêu cầu của cô giáo. Nhiều phụ huynh đánh giá, thời lượng 3 tiết/ngày, học trong một buổi đối với HS lớp 1 là hợp lý. Tuy nhiên, phụ huynh cũng mong muốn thời gian mỗi tiết giảm xuống 20-25 phút để không chỉ HS mà cả phụ huynh cũng cảm giác nhẹ nhàng hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước mắt, giáo viên không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. Do đó, phụ huynh, HS và giáo viên đều không bị áp lực với việc học online; bên cạnh hướng dẫn HS đọc, viết còn chú trọng, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho HS để đảm bảo các giờ học bổ ích, lý thú.