Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh áp lực bởi phương án bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mới vào năm học mới được hơn một tháng nhưng thông tin bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10 từ kỳ tuyển sinh năm học 2025 - 2026 gây cho học sinh lớp 9 nhiều áp lực. Lo lắng, đồn đoán, mất tập trung học tập… là tâm lý phổ biến đang diễn ra.

“Chúng em không muốn môn thứ 3 là bốc thăm”

Bốc thăm môn thứ 3 tại kỳ thi lớp 10 là phương án đề xuất của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ xin ý kiến rộng rãi. Mục đích của việc này nhằm đưa ra một số tiêu chí khung để thực hiện thống nhất cho các địa phương trên cả nước và tránh tình trạng học lệch, học tủ của học sinh cấp THCS. 

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.
Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 năm học 2024 - 2025.

Theo dự thảo, kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra với 3 môn gồm: toán, ngữ văn cùng môn thứ ba - nằm trong những môn được đánh giá bằng điểm số (ngoại ngữ, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ, tin học).

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định, phương thức chọn môn thứ ba nhận được sự quan tâm của dư luận, phụ huynh học sinh và các nhà trường. Hiện Bộ mới chỉ đang trong quá trình lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư. Quan điểm của Bộ là lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở, việc xây dựng dự thảo thông tư sẽ dựa trên 3 quan điểm cốt lõi, đó là: gọn nhẹ, không gây áp lực, không gây tốn kém cho phụ huynh, học sinh và xã hội; thúc đẩy được hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới về phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm công tác quản lý nhà nước.

Qua khảo sát, tổng hợp của Bộ về kỳ thi lớp 10 của các địa phương thời gian qua cho thấy, phương thức thi cơ bản ổn định; đa số các tỉnh lựa chọn 3 môn nhưng chưa có quy định thống nhất về môn thi thứ 3; điều này tạo ra sự bất cập, khó kiểm tra, đánh giá trong công tác quản lý.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, nếu môn thứ 3 cố định, Bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới nên đang nghiên cứu có thể có các phương thức, hình thức khác nhau có thể lựa chọn trong số các môn còn lại.

Phương án bốc thăm môn thi thứ 3 trong kỳ thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT vấp phải nhiều ý kiến trái chiếu của dư luận và phụ huynh học sinh. Khá ít ý kiến đồng tình với đề xuất cũng như lý do Bộ đưa ra vì cho rằng, hình thức “bốc thăm” không nên xuất hiện trong giáo dục bởi sẽ tạo sự bất an, lo lắng, thậm chí hoang mang cho học sinh.

“Từ hôm nghe đề xuất về việc bốc thăm môn thứ 3 tại kỳ thi lớp 10, em và các bạn rất lo lắng. Chúng em mong phương án số môn thi là cố định, được công bố công khai, rõ ràng để học sinh sẵn sàng tâm lý và có sự chuẩn bị kỹ cho kỳ thi” - em Nguyễn Ngọc Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết.

Nhiều thầy cô giáo dạy lớp 9 chia sẻ, học sinh lớp 9 năm nay là lứa đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngay từ lớp 6 – năm đầu tiên tiếp cận chương trình mới và phương pháp học cấp THCS, các em đã phải học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.  Hơn nữa, việc thi theo chương trình mới năm đầu tiên cũng có nhiều cái khó, như môn ngữ văn không còn ngữ liệu trong SGK; xuất hiện thêm các dạng thức trắc nghiệm mới… Những điều này cho thấy, mong muốn sớm công bố phương án và số môn thi của học sinh là hoàn toàn chính đáng.

Không nên bốc thăm môn thi

Bày tỏ quan điểm về phương án bốc thăm môn thi thứ 3, nhà giáo Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết: kỳ thi vào 10 nhằm mục đích chính là để tuyển sinh vào 10, xét từ cao xuống thấp theo nguyện vọng đăng ký của học sinh. Do đó, về thời điểm, nên công bố môn thi từ đầu năm học chứ không đợi tận cuối tháng 3 hàng năm. Về số môn thi, không nên bốc thăm mà cần cố định phương án thi 3 môn toán – văn – ngoại ngữ.  Thực tế cho thấy, các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ đã đủ bảo đảm đánh giá chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng theo yêu cầu của từng môn học nên không cần lo lắng tình trạng học sinh học lệch, học tủ.

Phần lớn học sinh, giáo viên, phụ huynh mong muốn kỳ thi lớp 10 công lập gồm 3 môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Phần lớn học sinh, giáo viên, phụ huynh mong muốn kỳ thi lớp 10 công lập gồm 3 môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ.

“Phương án lý tưởng nhất tại kỳ thi lớp 10 công lập, đó là học sinh được chọn môn thi và tuyệt đối không nên bốc thăm môn thi thứ 3”, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán uy tín ở Hà Nội nêu quan điểm.

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, kỳ thi lớp 10 vốn dĩ đã quá căng thẳng bởi tỷ lệ chọi cao. Việc bốc thăm môn thi có yếu tố may rủi, áp đặt thụ động và tạo căng thẳng vì học sinh, giáo viên có tâm lý dự đoán, chờ đợi công bố môn thi, gây phân tâm, khó khăn cho việc dạy - học của cả thầy và trò.

“Phương án thi tuyển lớp 10 với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ được nhiều địa phương áp dụng các năm qua đã chứng minh sự phù hợp và nhận được sự ủng hộ của đa số học sinh, phụ huynh. Việc bốc thăm gây nhiều áp lực cho học sinh. Ví dụ, nếu bốc thăm trúng môn lịch sử và địa lý thì số môn thi thực ra là 4 môn; nếu bốc thăm trúng môn khoa học tự nhiên thì số môn thi thực ra là 5 môn”, thầy Trần Mạnh Tùng bày tỏ.

Theo thầy Tùng, không có cơ sở để lo ngại không thi thì học sinh không học bởi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ. Quá trình học có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ… và việc này được thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối năm học. Nếu ngành giáo dục phải dùng thi để bắt học thì việc học trở thành đối phó, có thể xảy ra trường hợp nhiều nơi học cầm chừng chờ ngày công bố môn thi.

Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, phương án lý tưởng cho kỳ thi lớp 10, đó là, ngoài toán, ngữ văn, học sinh được lựa chọn môn thi thứ 3 phù hợp với năng lực. Tuy vậy, phương án này trước mắt khó khả thi vì công tác tổ chức thi và xây dựng ngân hàng đề thi sẽ khó khăn, phức tạp. Do vậy, giáo viên này kiến nghị nên thi cố định 3 môn: toán, văn, ngoại ngữ. Ngành giáo dục nên coi 3 môn học này là 3 môn “xương sống”, cần cho tất cả học sinh, góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Hiện nhiều cơ quan truyền thông cũng đang triển khai việc xin ý kiến của phụ huynh, học sinh và dư luận về phương án số môn thi lớp 10. Kết quả thu về cho thấy, hầu hết ý kiến đồng tình với phương án môn thi thứ 3 cố định là ngoại ngữ.

"Dù là học sinh đồng bằng hay miền núi, thành thị hay nông thôn thì trong chương trình chung, 3 môn này đều được phân bố nhiều thời lượng hơn trong suốt quá trình học và bảo đảm độ phủ kiến thức của học sinh", phụ huynh Mai Thị Hà (Hà Nội) góp ý.