Để giáo viên tự soi lại mìnhKhoảng chục năm trước, trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) đã thực hiện phát phiếu cho HS đánh giá GV mỗi năm hai lần. Thông qua những ý kiến của học trò, các thầy cô sẽ biết được đối tượng phục vụ phù hợp hay chưa. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Lúc đầu, các GV thắc mắc việc nhà trường cho HS đánh giá họ. Nhưng chúng tôi đã giải thích sẽ không xử lý GV khi bị HS đánh giá mà chỉ muốn họ soi lại mình. Những người được HS khen thì chúng tôi thưởng. Với những ai chưa nhận được số phiếu HS tán thành cao thì điều chỉnh để sang năm thầy trò thân thiện hơn”. Theo TS Tùng Lâm, điều quan trọng khi xử lý các phiếu đánh giá của HS, đó là giữ danh dự cho GV, không mang ra bàn ở hội đồng nhà trường mà cấp quản lý trao đổi với GV. Có năm tỷ lệ trung bình HS thích và khen GV của trường THPT Đinh Tiên Hoàng đạt 56%, nhưng có năm xuống 46%. Tuy nhiên, có giáo viên tổ Văn, Toán được HS đánh giáo cao tới 70 - 80%, thậm chí 90%. Trường hợp GV chỉ đạt dưới 50%, nhà trường để họ rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Nhà trường cũng đồng hành với họ thông qua dự giờ để tìm ra điểm yếu và từ đó giúp đỡ.Tại trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Thanh Trì), việc lấy ý kiến HS đánh giá GV để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng được thực hiện từ lâu. Tại đây, nếu một lớp học có 70% số phiếu của HS không mong muốn GV bộ môn dạy học ở năm sau thì chắc chắn nhà trường sẽ phải thay người mới. Thầy Trần Mạnh Tùng - GV dạy Toán của trường đã có gần 20 năm chịu áp lực bị HS đánh giá khẳng định: HS đánh giá GV là cần thiết, là áp lực tích cực. Bởi HS là trung tâm của hoạt động dạy và học, cần được nói lên ý kiến của mình. Thầy Tùng cũng cho biết, không phải nhà trường lắng nghe một chiều từ phía HS. Trong những trường hợp có điều gì bất thường, nhà trường sẽ có kênh như các lớp khác nhau đánh giá về một GV đó, đánh giá của đồng nghiệp, Ban giám hiệu rồi đưa lên bàn cân mới hài hòa được.Biến áp lực thành động lựcNhờ thực hiện việc HS đánh giá GV nên 5 năm trở lại đây, các GV ở trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) cảm thấy hạnh phúc, nhà trường được phụ huynh tín nhiệm vì học lực của con có tiến bộ, vui vẻ khi đến trường. TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT của trường thông tin: “Từ những ý kiến đánh giá của HS, chúng tôi đã thay đổi suy nghĩ về mục tiêu giáo dục, cách làm cho HS hạnh phúc, để phụ huynh đồng hành cùng nhà trường”. Ban Giám hiệu trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành - trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng luôn tạo điều kiện cho HS được đánh giá GV. “HS đánh giá sẽ hỗ trợ GV rất nhiều, để điều chỉnh phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với HS và giúp các em tiến bộ” - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Tất Thành Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.Hiệu quả của việc HS đánh giá GV đã rõ, tuy nhiên hoạt động này mới chỉ đang thực hiện ở một số ít các trường ngoài công lập. Có những ý kiến cho rằng, khi để HS đánh giá GV là đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nhưng những trường đang thực hiện việc này lại cho rằng đây là suy nghĩ lạc hậu, thừa hưởng từ nền giáo dục phong kiến, thầy cô độc tôn, học trò không có quyền đưa ra tiếng nói. “Suy nghĩ đó không phù hợp với giáo dục hiện đại lấy HS là trung tâm. Mọi hoạt động của giáo dục đều hướng đến sự phát triển của người học. Trong trường hợp này, chúng ta nên cho HS đánh giá GV cả ở trường dân lập và công lập, đồng thời có cách kiểm soát để việc đánh giá không trở nên hình thức” - thầy Tùng đề nghị. Nhiều ý kiến khác đồng tình với việc để HS đánh giá, cho dù GV chắc chắn sẽ bị áp lực. Nhưng qua đó, GV phải biết vượt qua và biến nó thành động lực để làm tốt hơn vai trò và nhiệm vụ của mình trước yêu cầu ngày càng cao của đổi mới giáo dục.