Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Học sinh làm cầu nối văn hóa giữa Hà Nội và bạn bè quốc tế

Kinhtedothi - Điều 22 Luật Thủ đô 2024 nhấn mạnh: phát triển sự nghiệp GD&ĐT để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước, thích ứng với quá trình hội nhập. Qua nhiều dự án mới mẻ và hấp dẫn từ các nhà trường, học sinh Thủ đô được tạo điều kiện để phát triển toàn diện từ kiến thức đến kỹ năng và trở thành cầu nối văn hóa giữa Hà Nội và bạn bè quốc tế.

Học sinh trở thành hướng dẫn viên cho khách quốc tế

4 tháng qua, khách du lịch quốc tế ghé thăm các di tích nổi tiếng có lịch sử hàng nghìn năm tuổi tại Phố cổ Hà Nội đều rất ngạc nhiên và thích thú khi được những hướng dẫn viên mặc đồng phục học sinh nhiệt tình hướng dẫn, thuyết trình về di tích bằng tiếng Anh.

Du khách quốc tế thăm các di tích tại Phố cổ Hà Nội rất bất ngờ trước sự nhiệt tình, thân thiện của các hướng dẫn viên là học sinh.

Các em chủ động chuyện trò, trao đổi và sẵn sàng hướng dẫn, trả lời những câu hỏi du khách đặt ra trong khuôn khổ hiểu biết của mình. Hoạt động nhóm học sinh tham gia là một phần trong dự án “Thực hành tiếng Anh và tình nguyện viên tại các di tích Phố cổ Hà Nội”.

Dự án được triển khai từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, với sự tham gia tích cực của 50 học sinh khối THPT của Trường THCS & THPT Việt Úc (VAS Hanoi). Suốt 4 tháng, các em đã hoàn thành 600 giờ thực hành tiếng Anh, trực tiếp tiếp xúc và hỗ trợ gần 1.000 lượt du khách quốc tế tại các điểm di tích văn hoá nổi bật thuộc khu Phố cổ Hà Nội như: Nhà di sản 87 Mã Mây, Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Đình Kim Ngân 44 Hàng Bạc…

Thông tin về dự án ý nghĩa này, TS Vũ Thùy Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS & THPT Việt Úc cho hay: để được chấp thuận thực hành tiếng Anh tại các di tích (vốn chỉ dành cho sinh viên năm cuối các trường đại học), 50 học sinh tham gia dự án phải viết đơn, trải qua các vòng kiểm tra, phỏng vấn trên cơ sở thế mạnh về đào tạo ngoại ngữ và IELTS của VAS Hanoi. Các em cũng được tập huấn nghiêm túc về phong thái, cách thức giải quyết các tính huống giao tiếp và kỹ năng bảo đảm an toàn cho bản thân. 

Chia sẻ về những khó khăn lớn nhất khi tham gia dự án, em Đoàn Phạm Linh Ngọc cho biết: “Ban đầu, chúng em không biết nhiều thông tin về các di tích nhưng sau 2 tháng học hỏi, em và các bạn đã dần biết cách thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch một cách hoàn hảo nhất”.

“Chúng em phải đọc và tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu; không chỉ từ tư liệu do Ban di tích cung cấp mà còn phải lên mạng tra cứu, ghi nhớ thông tin, từ đó chủ động cung cấp cho du khách”, học sinh Trần Trung Hải cho hay.

Sứ giả văn hóa - lịch sử

TS Vũ Thùy Hương nhấn mạnh: “Dự án không chỉ là một hoạt động học tập trải nghiệm mà là cơ hội để học sinh rèn luyện sự tự tin, khả năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường thực tế, đồng thời mở rộng hiểu biết về di sản lịch sử. Mỗi bước chân các em dẫn du khách qua một di tích là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa Việt và bạn bè quốc tế. Những gì các em học được không dừng lại ở kiến thức ngôn ngữ, mà còn là lòng tự hào dân tộc, sự nhạy bén văn hóa và tinh thần công dân toàn cầu.”

Ông Đặng Xuân Khuê, đại diện Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đánh giá cao ý thức, lòng nhiệt tình của các em và cho biết, chính sự thân thiện, hồn nhiên đó đã để lại ấn tượng và dư âm tốt đẹp trong lòng du khách; nhiều khách du lịch bày tỏ muốn trở lại thăm Phố cổ Hà Nội thêm nhiều lần nữa.

Học sinh tham gia dự án được trao Giấy chứng nhận.

Cảm nhận về dự án, các học sinh cho hay, trước đó mình rất rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ nhưng sau thời gian thực hành làm hướng dẫn viên du lịch đón khách quốc tế, các em đã tự tin hơn, giao tiếp lưu loát, có tinh thần làm việc nhóm, tích lũy, trau dồi được nhiều kiến thức lịch sử - văn hóa, mở rộng vốn từ, học cách thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau…

“Dự án rất có ý nghĩa với chúng em. Chúng em nhận ra rằng, muốn bản thân trở nên có giá trị hơn, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ; đó cũng là cách đóng góp cho đất nước”, học sinh Trần Trung Hải bày tỏ.

Dõi theo học sinh trong suốt hành trình thực hiện dự án, cô Trần Thị Hường, giáo viên môn lịch sử, Trường THCS & THPT Việt Úc cho rằng, tham gia dự án, các học sinh đã trưởng thành hơn rất nhiều. Những bài học từ trang sách, từ nhà trường đã bước ra thực tiễn, giúp các em chạm vào lịch sử. Các em là những người tiếp nối giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, mang giá trị đó lan tỏa đến bạn bè quốc tế. Các em - thế hệ Gen Z, những công dân toàn cầu đã trở thành đại sứ văn hóa, kết nối giữa quá khứ - hiện tại – tương lai, giữa Hà Nội - Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khuyến khích đa dạng phương pháp, hình thức học tập. Một trong những phương pháp được nhắc đến là học tập thông qua dự án – một hình thức học tập mở, khuyến khích học sinh tạo ra những sản phẩm gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Với phương pháp học tập này, học sinh sẽ chủ động chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất; rèn luyện khả năng tự học với phương châm “Học qua làm”.

Những dự án giàu ý nghĩa được các trường học tại Hà Nội triển khai thực hiện thời gian qua, trong đó có dự án của Trường THCS & THPT Việt Úc đều hướng đến mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như định hướng phát triển GD&ĐT được nêu tại Điều 22, Luật Thủ đô 2024 về việc phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; đồng thời là cách thức hiện thực hóa Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị: “từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2”.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bệ phóng cho giáo dục Thủ đô

Bệ phóng cho giáo dục Thủ đô

13 Apr, 05:58 AM

Kinhtedothi - Nhờ truyền thống hiếu học, những năm qua, ngành giáo dục Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, luôn trong tốp dẫn đầu toàn quốc, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, chất lượng cao.

Trường Cao đẳng Long Biên ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

Trường Cao đẳng Long Biên ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới

12 Apr, 08:19 PM

Kinhtedothi-Ngày 12/4, Trường Cao đẳng Long Biên (LBC) công bố bộ nhận diện thương hiệu mới; công bố thông tin tuyển sinh và chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính năm 2025 cho sinh viên, đồng thời ký kết hợp tác chiến lược với một số doanh nghiệp hàng đầu trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ