Học sinh tìm tài liệu qua internet: Lợi bất cập hại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT) đã xóa bỏ mọi ranh giới về kiến thức và việc ứng dụng những thành quả này trong việc dạy và học trở thành xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, sự “ra đời” của một thế hệ học sinh, sinh viên (HS, SV) lạm dụng, ỷ lại vào internet đã đặt ra câu hỏi lớn về giá trị chân thực của những kiến thức được vay mượn này.

 Học sinh tìm tài liệu qua internet: Lợi bất cập hại - Ảnh 1

Các em học sinh cần được hướng dẫn đúng để có thể tận dụng internet một cách hiệu quả nhất cho việc học tập của bản thân.

Bệnh lười

Thời gian gần đây, không ít gia đình đã "dở khóc, dở cười" khi cho phép con cái thoải mái sử dụng internet để phục vụ học tập. Chị Thu Trang (phường Kim Liên, quận Đống Đa) tâm sự, lâu nay thấy cô con gái đang học lớp 8 tích cực tra cứu trên internet để làm bài tập cũng thấy mừng. Nhưng mới đây chị đã tá hỏa khi tình cờ phát hiện, con gái không chỉ lướt internet để tìm kiếm tài liệu tham khảo mà lấy thẳng lời giải các bài tập được cô giáo giao. Hỏi con gái, vì sao không tự làm, Trang nhận được câu trả lời rất hồn nhiên của cô bé: Bài giải đầy trên mạng, tải về chép cho nhanh, đỡ phải suy nghĩ nhiều. Chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm, chị Trang được biết, các bài tập tìm hiểu địa danh, di tích…  khi được giao về nhà làm, các em rất hứng thú vì được tìm tòi, tham khảo trên internet và nộp bài rất đầy đủ. Tuy nhiên, khi giáo viên gọi lên bảng kiểm tra bài về những nội dung này, nhiều học sinh không trả lời được.

Một giáo viên trường THCS Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) thừa nhận, internet mang lại nhiều lợi ích, mở mang kiến thức, giúp mọi người dễ dàng xích lại gần nhau trong "ngôi làng" toàn cầu… "HS bây giờ lạm dụng internet, các em không chịu tư duy, bài tập hơi khó, hay bất kể vấn đề gì vướng mắc đều tìm ngay đến "google". Điều này khiến nhiều em lười tư duy, lười phát biểu xây dựng bài trên lớp", vị giáo viên này chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, sự lười nhác trong tư duy này đã nảy sinh tâm lý thụ động, ỷ lại nên HS khó làm chủ kiến thức của bài học, lâu ngày tạo thành thói quen thiếu tự tin, hạn chế sự sáng tạo của người học, trí nhớ giảm sút…

Cần sáng tạo trong cách ra đề

Các chuyên gia giáo dục nhận định, đổi mới phương pháp học bằng cách yêu cầu HS sưu tầm, tìm hiểu qua internet thay vì các bài tập máy móc, rập khuôn là đúng. Điều này sẽ giúp các em phát huy hết khả năng, tư duy và sáng tạo. Tuy nhiên, nếu giao đề bài theo hướng mở không khéo sẽ "phản tác dụng", làm hạn chế khả năng tư duy và phát triển của các em.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, việc ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng dạy học là rất cần thiết. Đây là một định hướng đúng và hiện đại, tuy nhiên, mỗi phương pháp có ưu và khuyết điểm riêng, nên vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. Nếu giáo viên làm đại khái thì "tai nạn" trong việc giảng dạy rất dễ xảy ra. Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, với các phương pháp học tập này, HS thu thập thông tin rất nhanh, nên việc sao chép bài của người khác thành bài của mình là điều rất dễ. Hoặc trong một nhóm có thể xảy ra tình trạng chỉ có 1 - 2 HS làm. Vì vậy, khi chấm bài, giáo viên không chỉ chấm nội dung mà cần chấm cả cách HS phân công nhiệm vụ. Trong cách ra đề, nhà trường nên có bộ phận hướng dẫn giáo viên và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, gia đình cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc kiểm soát việc học trên mạng của HS. Tuy nhiên, không thể cấm trẻ sử dụng CNTT vì điều đó đi ngược với định hướng của ngành giáo dục và sự phát triển của xã hội.