Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh TP Hồ Chí Minh bắt đầu năm học mới từ ngày 1/9

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Theo đó, học sinh trên địa bàn TP này sẽ bắt đầu năm học mới từ ngày 1/9, riêng tiểu học từ ngày 8/9.

Cụ thể, Giáo dục Trung học (THCS và THPT, kể cả giáo dục thường xuyên): Từ ngày 1 đến 5/9/2021 tổ chức lớp, hướng dẫn kĩ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức.

Từ ngày 6/9 sẽ giảng dạy chương trình năm học mới.
 Học sinh lớp 6 đến 12 ở TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực học chương trình học kỳ 1 năm học mới từ 6/9, tiểu học từ 20/9
Giáo dục Tiểu học, từ ngày 8 -19/9: Tổ chức lớp, hướng dẫn kĩ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức. Từ ngày 20/9 bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới.
Giám đốc Sở GD&ĐT có trách nhiệm theo dõi chỉ đạo các cấp học, ngành học thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 phù hợp với tình hình TP. Quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh, bố trí học bù bảo đảm số tuần thực học và thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học theo quy đinh.
Căn cứ tình hình thực tế, tham mưu kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non trên địa bàn TP.
Cũng theo văn bản trên, học sinh TP Hồ Chí Minh sẽ nghỉ Tết âm lịch từ 29/1/2022 (27 tháng chạp Âm lịch) đến hết ngày 6/2 (mùng 6 tháng giêng Âm lịch). 
Chiều ngày 19/8, sau khi ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn gửi Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện yêu cầu tập trung các công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Theo đó, UBND TP giao cho Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch năm học mới linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, đồng thời chuẩn bị chu đáo phương án tổ chức dạy và học trên internet đến hết học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, nhất là đối với các khối lớp 1, lớp 2, lớp đầu cấp và cuối cấp. 
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở GD&ĐT chủ động rà soát việc tiêm ngừa vaccine của các nhà giáo (thống kê đầy đủ số liệu giáo viên chưa chích ngừa, đã chích ngừa 1 mũi/ 2 mũi). Trên cơ sở đó,  ngành GD&ĐT phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine cho lực lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục TP.