Học viện Cảnh sát Nhân dân: Thêm phương thức tuyển sinh, có 4 địa bàn xét tuyển

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Học viện Cảnh sát Nhân dân có 4 địa bàn xét tuyển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở các tỉnh, vùng miền. Những thí sinh bị cận đều có thể đăng ký xét tuyển bình thường nhưng khi trúng tuyển phải có cam kết và điều trị trước khi nhập học.

Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 được tổ chức tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, khi trao đổi với phóng viên báo chí, Thiếu tá.TS Phạm Tiến Dũng – Tổ trưởng phụ trách tuyển sinh thuộc  Phòng Đào tạo, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết: Năm 2021, Học viện Cảnh sát Nhân dân xét tuyển 530 chỉ tiêu cho 5 chuyên ngành đào tạo: Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Trinh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội; Trinh sát phòng chống tội phạm ma tuý; Kỹ thuật hình sự.
 Thiếu tá.TS Phạm Tiến Dũng (bên phải) – Tổ trưởng phụ trách tuyển sinh, Học viện Cảnh sát Nhân dân đang tư vấn cho thí sinh và phụ huynh tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Học viện tuyển sinh, với 3 phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định của Bộ Công an.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ IELTS Academic hoặc chứng chỉ TOEFL iBT hoặc chứng chỉ HSK) với kết quả học tập THPT. Đây là phương thức mới được thực hiện năm nay. Với phương thức này, Học viện triển khai ngay trong tháng 7, thí sinh nào có cơ hội trúng tuyển sẽ được thông báo sớm trước khi thi tốt nghiệp THPT 2021. Khi thí sinh có đỗ tốt nghiệp THPT 2021 thì sẽ nhận được giấy báo nhập học của Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp (A00, A01, C03, D01) kết hợp với kết quả học tập THPT. Học viện Cảnh sát Nhân dân sẽ thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức xét tuyển 3 sau khi có hướng dẫn, phê duyệt của Bộ Công an.
 Các thí sinh đang tìm hiểu thông tin vào Học viện Cảnh sát Nhân sân tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021. Ảnh: Nguyễn Tâm.
Học viện Cảnh sát Nhân dân sẽ xét tuyển theo phương thức 1 là 25 chỉ tiêu, phương thức 2 là 75 chỉ tiêu và 430 chỉ tiêu dành cho phương thức 3.
Năm nay, Học viện Cảnh sát Nhân dân tuyển sinh trong phạm vi phía Bắc, từ  tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra; theo 4 địa bàn.
Địa bàn 1 gồm các tỉnh tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.
Địa bàn 2 gồm các tỉnh, TP đồng bằng và trung du Bắc Bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Địa bàn 3 gồm các tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Địa bàn 8 gồm các đơn vị trực thuộc Bộ Công an: A09, C01, C10, C11, K01, K02.
“Theo quy định, thí sinh dân tộc thiểu số được cộng 2 điểm, cộng với 0,75 điểm vùng sâu; chênh tới 2,75 điểm so với thí sinh ở khu vực 1. Năm nay, khi chia theo địa bàn xét tuyển, thí sinh các vùng miền có cơ hội khá sát với nhau và đáp ứng nhu cầu đào tạo của các tỉnh, địa phương, của Bộ CA nói chung” - TS. Phạm Tiến Dũng cho hay.
Một điểm mới trong công tác xét tuyển, đó là, Bộ Công an có quy định mở rộng: Những thí sinh bị cận có thể được đăng ký xét tuyển bình thường. Chỉ cần các thí sinh cam kết nếu trúng tuyển vào trường, trước khi nhập học vào Học viện Cảnh sát Nhân dân thì chữa trị cận. Trường hợp, kết quả kiểm tra ở bệnh viện thông báo tuổi chưa phù hợp để điều trị mắt thời điểm này, thí sinh viết cam kết khi vào học sẽ thực hiện sau. Như vậy quy định này tạo thuận lợi cho các thí sinh bị cận được vào học tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần