Hội đồng nhân dân TP Hà Nội chất vấn về phòng, chống dịch Covid-19

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Trên cơ sở kết quả tổng hợp, Thường trực HĐND TP đã họp với 30 Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND TP để thảo luận, lựa chọn nội dung chất vấn.

Các ý kiến của đại biểu đều thống nhất cao việc lựa chọn 2 nhóm nội dung đang được cử tri và Nhân dân rất quan tâm: Nhóm chất vấn thứ nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nhóm vấn đề thứ hai là thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.

 Quang cảnh phiên chất vấn

Chủ tịch HĐND TP cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh chịu sự tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, sự tích cực, chủ động của các lực lượng tuyến đầu và sự đồng hành, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay, góp sức cùng TP vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của T.Ư và phù hợp với thực tiễn TP.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố đã cơ bản được kiểm soát; bảo đảm công tác an sinh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kinh tế tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì tăng trưởng và có một số chuyển biến tích cực so với cùng kỳ.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế đặt ra, cần được xem xét, giải trình làm rõ, từ đó xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về việc thúc đẩy các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch HĐND TP cho hay, trong những năm qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được TP rất quan tâm. TP đã thực hiện nhiều nội dung thu hút đầu tư ngoài ngân sách và triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa đến phát triển các khu đô thị, phát triển nhà ở… từ đó góp phần hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP, thu hút nguồn lực để phát triển thành phố và từng bước giúp bộ mặt đô thị thêm khang trang, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ ra vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Có những dự án đã được HĐND TP giám sát, tái giám sát nhưng vẫn còn chuyển biến chưa nhiều, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Để phiên chất vấn đạt hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP đề nghị đối với các đại biểu khi đặt câu hỏi cần ngắn gọn, tập trung vào vấn đề cần quan tâm, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, đặt câu hỏi cụ thể, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đúng nội dung đã được chủ tọa thông qua.

Thời gian đặt câu hỏi cho mỗi đại biểu không quá 2 phút. Mỗi đại biểu được cung cấp 01 biển tranh luận và sử dụng khi cần tiếp tục tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ thêm các nội dung chất vấn.Đối với người trả lời chất vấn phải trả lời đúng nội dung, đúng trọng tâm, thẳng vào những nội dung được hỏi, giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, thời gian và giải pháp thực hiện để cử tri và đại biểu HĐND TP theo dõi, giám sát.

 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thời gian trả lời tối đa là 3 phút cho một vấn đề theo tinh thần là "hỏi nhanh, đáp gọn". Trong quá trình trả lời chất vấn, các Phó Chủ tịch UBND TP, thành viên UBND TP và các đơn vị liên quan sẽ tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm được phân công.

Đối với những vấn đề, câu hỏi thuộc thẩm quyền, trách nhiệm chung của UBND TP, Chủ tịch UBND TP sẽ báo cáo làm rõ thêm thuộc trách nhiệm, thẩm quyền và trả lời chất vấn. Trong phiên họp, Chủ tọa sẽ tổng hợp và kết luận đối với từng nhóm vấn đề. Kết thúc phiên chất vấn, sẽ ban hành Kết luận để tổ chức triển khai và giám sát thực hiện.

Thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả

Báo cáo về công tác phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận tổng số 14.925 ca, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng.

Giai đoạn trước khi giãn cách xã hội: Từ ngày 27/4-23/7/2021 (88 ngày) ghi nhận 917 ca mắc (trung bình 10,42 ca/ngày), với 414 ca ngoài cộng đồng;
Giai đoạn giãn cách xã hội: Từ ngày 24/7 – 20/9/2021 (58 ngày), ghi nhận 3.276 ca mắc (trung bình 56,48 ca/ngày), với 898 ca ngoài cộng đồng;
Giai đoạn phòng, chống dịch trong tình hình mới: Tính từ ngày 21/9/2021 đến hết ngày 10/10/2021: ghi nhận 114 ca mắc (trung bình 5,7 ca/ngày), trong đó 08 ca ngoài cộng đồng;
Giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP tính từ ngày 11/10/2021 đến 12h00 ngày 08/12/2021: ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ngày), trong đó 4.123 ngoài cộng đồng.
Về công tác tiêm chủng, đến nay, người từ 18 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 94,3 %; Tiêm mũi 2 đạt 85%; Người trên 50 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 88,1%; Tiêm mũi 2 đạt 83,6%; Trẻ em từ 15-17 tuổi: tiêm mũi 1 đạt 94,9%; Trẻ em từ 12-14 tuổi: tiêm mũi 1 đạt 75,9% và đang tiếp tục tiêm cho trẻ em theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế.
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, chủ trương thống nhất từ Thành ủy, UBND Thành phố đến cấp cơ sở thực hiện từ sớm, từ xa, đúng và trúng các mục tiêu phòng, chống dịch theo từng giai đoạn.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo về công tác phòng chống dịch
Trong đợt dịch lần thứ tư chống dịch Covid-19, Thành ủy duy trì họp Thường trực, Ban Thường vụ định kỳ hàng tuần, đột xuất để chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố; đã ban hành 02 Chỉ thị, 32 thông báo kết luận của Thường trực, Ban thường vụ Thành ủy về công tác phòng chống dịch, duy trì các Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
UBND Thành phố đã ban hành 09 chỉ thị và công điện, 18 kế hoạch và phương án, 18 thông báo và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19. Tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp định kỳ hàng tuần và đột xuất trước các diễn biến bất thường của dịch bệnh để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn.
Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, Thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ; kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố đã đảm bảo an toàn phòng chống dịch, góp phần tích cực vào thành công Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn tuyệt đối. Các hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường mới, học sinh của một số khối lớp đã quay trở lại trường học.
Ngành y tế có phương pháp, kiểm soát dịch bệnh thế nào trong bối cảnh có biến chủng mới?

Gửi câu hỏi tới Giám đốc Sở Y tế, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết dự báo dịch bệnh diễn ra tại Thủ đô, trong đó có biến chủng mới trong thời gian tới. Ngoài ra, ngành y tế có phương pháp, kiểm soát dịch bệnh thế nào hiệu quả? Giải pháp kiểm soát F1, điều trị F0 tại nhà, cung cấp thuốc cho F0, phân tầng điều trị thế nào cho hợp lý để tránh gây quá tải cho phía trên?

  ĐB Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) chất vấn

ĐB Nguyễn Quang Thắng hỏi Giám đốc Sở Y tế về khả năng của TP đáp ứng tình hình chống dịch theo cấp độ 4? Khả năng vận chuyển bệnh nhân trong trường hợp TP có hơn 1000 ca bệnh và các giải pháp nâng cao năng lực xét nghiệm của TP?

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Nam (tổ Phú Xuyên) nêu vấn đề, qua các đợt dịch Covid-19 vừa qua, y tế cơ sở thể hiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện công tác phòng chống dịch, vậy Sở Y tế sẽ có giải pháp gì nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở?

Điều trị F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà

Trả lời câu hỏi về giải pháp gì nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã tăng cường tổ chức tập huấn cho lực lượng y tế, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh phía nam để điều trị các bệnh nhân nặng. Hà Nội cũng đã chuẩn bị cơ số thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, theo các cấp độ, theo các triệu chứng chuyển tầng.

TP cũng đã quyết định trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp điều trị F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà, giao y tế cơ sở tiếp cận từng hộ gia đình...

Chủ trương này cho thấy phù hợp nguyện vọng người dân, y tế cơ sở cùng các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cơ sở… rất chủ động tiếp cận. Chúng tôi cũng cần những lực lượng hỗ trợ ngành y tế trong lúc ngành đã bị quá tải. Tuy nhiên cũng cần sự giám sát chặt chẽ để quản lý F1 hay điều trị F0 tại nhà, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

 Đại biểu Nguyễn Quang Thắng đặt câu hỏi chất vấn

Liên quan công tác phòng chống dịch vai trò y tế cơ sở, cần khẳng định hệ thống này vừa qua thể hiện là nòng cốt trong phòng chống dịch nhất là hiện còn phải quản lý theo dõi F0 tại nhà. Đây là lực lượng tuyến đầu đã không ngừng nghỉ nỗ lực suốt 2 năm qua.

Trả lời ĐB Thanh Nam, Giám đốc Sở Y tế nêu thực trạng quá tải ở các trạm y tế và chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất ở y tế cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch.

Về giải pháp, Sở Y tế sẽ có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho hệ thống y tế nhăm nâng cao chất lượng y tế cơ sở.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ 11/10, số ca mắc tăng cao, và với tình hình này, có thể lên tới 1.000 ca/ngày. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng hơn Delta. 

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine cao, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 mũi hiện nay tại Hà Nội trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm tập trung của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Biến chủng mới Omicron xuất hiện ở Nam Phi, đã ghi nhận ở nhiều nước, có khả năng lây lan cao hơn Delta. Theo WHO, vaccine có thể bảo vệ được người dân đã tiêm chủng trước biến chủng này. Dù chưa ghi nhận trong cộng động, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; chỉ đạo CDC giải trình gen những trường hợp nghi ngờ; kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này.

 Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn

Thực hiện tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch, có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Với ngành y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giải tải cho tuyến trên. 

Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm phòng vaccine cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vaccine của Bộ Y tế; ứng dựng CNTT trong công tác xét nghiệm, quản lý F0, F1, không chủ quan lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ. Ngành y tế luôn cập nhật, theo dõi, cập nhật thông tin F0 trên phần mềm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.

Phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài như thế nào?

Tiếp tục đặt câu hỏi, ĐB Nguyễn Vũ Bích Hiền đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở GD&ĐT về việc nhiều phụ huynh còn băn khoăn về rà soát, kiểm tra các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại, trong khi nhiều trường ở huyện còn thiếu nhân viên y tế. Đề nghị Sở cho biết ý kiến về việc này và giải pháp khắc phục?

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB quận Hoàng Mai) chất vấn: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học cũng như cần sự giám sát.

 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai)

Hiện nay, học sinh lớp 12 và lớp 9 ở một số địa phương đã được học trực tuyến kết hợp trực tiếp, nhưng trong tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Vậy đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài? 

Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai) chất vấn, như chúng ta đều biết dịch bệnh Covid -19 hiện nay vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính từ ngày 07/11/2021 đến nay, số ca mắc mới phát sinh tăng đột biến; trong đó những ngày gần đây mỗi ngày đều nghi nhận số ca mắc mới từ 500 đến 700 ca.

Về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian từ đợt dịch lần thứ 4 cho đến nay, tôi nhận thấy UBND thành phố Hà Nội đã có các biện pháp quyết liệt, kịp thời và phù hợp để kiểm soát dịch bệnh. Điều này cũng đã được nêu tại Báo cáo số 351 của UBND Thành phố Hà Nội được trình bày tại Ngày làm việc đầu tiên Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội lần này.

Đại biểu nhắc lại một số điểm sáng như: Chủ động áp dụng biện pháp phòng chống dịch phù hợp, kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan; thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

 Đại biểu Nguyễn Duy Chính (tổ Hoàng Mai) chất vấn

Trong giai đoạn giãn cách xã hội từ 24/7 đến 21/9, UBND thành phố tận dụng tối đa được tối đa khoảng thời gian vàng để thực hiện xét nghiệm thần tốc trên diện rộng, đánh giá nguy cơ lây nhiễm, bóc tách F0 và kiểm soát dịch bệnh.

Hoàn thành công tác tiêm chủng bao phủ mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố.

Thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách đặc thù của Thành phố, chăm lo chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh các thành quả của công tác phòng chống dịch, chúng ta cũng không thể phủ nhận các ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnhđến tình hình kinh tế. Theo thống kê , trong 10 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố có:

19.848 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 10% so với cùng kỳ năm trước).

2.566 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 26% so với cùng kỳ năm trước), 11.034 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước).

GRDP 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố tăng 1,28% - mức thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ tiêu năm 2021 tăng trưởng 7,5% dự báo khó có thể hoàn thành.

Vì vậy, việc khôi phục lại hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế là một nhiệm vụ hết sức cần thiết trước mắt.

Hiện nay, tôi được biết trên cơ sở phương án “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, theo kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, UBND Thành phố đã giao Sở Công thương: chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Vì vậy, với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, thay mặt các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đại biểu Nguyễn Duy Chính đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết Sở đã tổng hợp và đề xuất triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào theo chỉ đạo của UBND Thành nêu trên?

Tổ chức dạy học linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với tình hình thực tiễn

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, qua thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12 trên địa bàn TP, đến nay đã có 64 ngàn học sinh khối lớp 9 và 12 đi học an toàn.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD xác định vừa tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh. Quản lý chặt chẽ kỷ luật nề nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học.

Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, sẽ có 10 nghìn học sinh được trang bị thiết bị học tập online. Hiện nay TP đã trao được hơn 7 nghìn thiết bị học tập cho các em. Sở và các nhà mạng đã lắp đặt mạng Internet tại hơn 100 thôn, làng, bản. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết hiện nay Sở đang tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến.

Về việc thiếu nhân viên y tế trong trường học, ông Trần Thế Cương cho biết, theo số liệu thống kê, toàn TP thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người. Do từ năm 2015, TP tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập.
 Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trả lời chất vấn

Qua quá trình khảo sát, Sở thấy rằng công tác y tế trong trường học rất quan trọng. Vì thế, ông Trần Thế Cương đề xuất cho phép ngành GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.

Trả lời ĐB Nguyễn Minh Đức về đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết Sở đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ “an toàn trường học” là thế nào, trong đó đảm bảo một cung đường 2 điểm đến, không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được dạy học trực tiếp.

Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, với khối lớp 12, tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học. “Kính mong PH và giáo viên quan tâm thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác phòng dịch, nếu cùng có trách nhiệm thì chắc chắn việc tổ chức dạy học trực tiếp sẽ thành công” – ông Cương nói.

 Quyết tâm xử lý vi phạm để nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh

Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao chất chất Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy về tồn tại vi phạm quy tắc phòng chống dịch như quán hát karaoke mở chui, hàng quán còn mở cửa sau 21h... dù đã xử lý kịp thời nhưng còn gây bức xúc trong người dân?

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh trả lời cho rằng, cùng với Thành phố, quận Cầu Giấy cũng hết sức phấn đấu hoàn thành tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên cũng có một số việc như báo chí đã nêu.

Về vấn đề karaoke, chúng tôi đã rất nỗ lực để giảm số lượng quán karaoke từ năm 2016 đến nay. Trước đây chúng tôi có 74 cơ sở kinh doanh karaoke, hiện nay còn 60 (trong đó, số lượng được cấp phép là 55, 1 trường hợp đang dừng, 4 trường hợp chưa cấp phép lại).
 Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh trả lời chất vấn

Hoạt động karaoke rất phức tạp, bởi chủ yếu hoạt động về đêm, điều này khiến cho các lực lượng chức năng rất vất vả để xử lý. Chúng tôi đang áp dụng các phương pháp như: Kiểm tra thực tế thường xuyên, liên tục, nhờ nhân dân phản ánh và báo chí cung cấp thông tin.

Về nguyên nhân: Thứ nhất, hiện điều kiện cấp phép karaoke là quá dễ; Thứ hai, dù chế tài xử cao nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe; Thứ ba, tôi thấy việc cấp phép karaoke cũng với hàng ăn là không nên. Trước thực trạng đó, chúng tôi có đề nghị nếu kiểm tra 2 lần mà vi phạm là rút giấy phép.

Với những phản ánh về tình hình nhà hàng ăn uống trên địa bàn quận: Sau khi được hoạt động trở lại, tình hình của các cơ sở này tương đối phức tạp. Từ đầu năm chúng tôi đã xử lý 3.204 trường hợp, tiền phạt 7,4 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ quyết tâm xử lý bằng được để nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi cũng đề nghị nâng cao mức xử phạt để đủ sức răn đe.

Các thành viên UBND TP trả lời đúng, trúng vấn đề

Kết luận Phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với 9 lượt ĐB đặt câu hỏi và có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Giám đốc các sở Y tế, Giáo dục & Đào tạo và Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trả lời. Liên quan công tác phòng chống dịch, việc thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngay tại các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường cũng đã được các ĐB rất quan tâm, thảo luận sôi nổi. Đây cũng là nhóm vấn đề mà cử tri và Nhân dân TP rất quan tâm. 

Từ đó, nội dung trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND TP, Giám đốc 2 sở và Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã cơ bản trả lời đúng câu hỏi và làm rõ những vấn đề quan tâm liên quan ngành, lĩnh vực phụ trách, kể cả đồng chí mới nhận nhiệm vụ cũng nắm chắc vấn đề.

Qua báo cáo của UBND TP và nội dung trả lời chất vấn, các ĐB đều cơ bản thống nhất và ghi nhận nỗ lực của UBND TP, các sở ban ngành quận huyện và các cấp ngành thời gian qua. TP đã chủ động, kịp thời, kiên định, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương giải pháp đúng, trúng, với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của T.Ư và phù hợp điều kiện thực tiễn của TP.