Bảo đảm khung thời vụ
Sáng Mùng 5 Tết, dù âm hưởng của những ngày Xuân chưa dứt nhưng nhiều người dân xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đã xuống đồng làm đất, cấy lúa. Tay thoăn thoắt cấy những rảnh mạ non xanh xuống ruộng, bà Đặng Thị Dung, thôn Đốc Tín chia sẻ: “Mấy ngày cận Tết, tôi đã tranh thủ đắp bờ, lấy nước và gỡ nilon cho mạ. Mặc dù lịch xuống đồng là ngày mùng 4 Tết (15/2) nhưng ngay từ chiều mùng 3 Tết, gia đình tôi đã bắt tay vào gieo cấy”.Tại huyện Ứng Hòa, do có tập quán gieo cấy sớm và mở rộng diện tích cấy giống J02 nên một số xã như: Sơn Công, Hòa Lâm, Minh Đức… đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa Xuân từ trước Tết Nguyên đán. Những ngày này, nông dân xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc, che nilon chống chuột phá hoại lúa. Ông Đặng Hữu Hỷ, ở xã Sơn Công cho hay: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi xuống đồng để chăm sóc những diện tích cấy sớm, tiến hành bón lót và tỉa dặm cho lúa”. Theo phản ánh của nhiều nông dân, ngay từ ngày đầu năm, thời tiết đã ấm áp, rất thuận lợi cho xuống đồng và cây mạ sinh trưởng. Vì vậy, bà con nông dân các địa phương đều tranh thủ cấy sớm cho kịp khung thời vụ tốt nhất. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 15/2, toàn TP đã gieo cấy được hơn 18.000ha lúa Xuân, đạt 22% kế hoạch. Một số huyện, thị xã có diện tích cấy lúa Xuân đạt cao là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây… Đối với các địa phương như Quốc Oai, Gia Lâm, Chương Mỹ… diện tích cấy lúa Xuân đạt thấp do tập quán cấy muộn hoặc do xa nguồn nước. Nhằm khuyến khích nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy cũng như chăm sóc lúa Xuân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng vận hành, cung cấp đầy đủ nước tưới dưỡng đảm bảo ngập chân mạ. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc lúa để đảm bảo cho cây lúa bén rễ nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt.Không để ruộng đồng thiếu nướcNgay sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, hai ngày qua, 4 DN thủy lợi của Hà Nội đã bắt tay ngay vào chỉ đạo vận hành hàng chục trạm bơm dọc hệ thống các sông, tập trung lấy nước, trữ nước vào kênh mương thủy lợi nội đồng. Trước đó, việc lấy nước được duy trì trong cả thời điểm trước Tết. Cá biệt, trạm bơm Ấp Bắc được vận hành trong cả 3 ngày Tết. Ông Nguyễn Mạnh Nhất - Giám đốc Xí nghiệp cung cấp nước thô và tư vấn xây dựng (thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) - đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm Ấp Bắc, cho biết: 25 tổ máy với công suất 1.000m3/giờ/máy đã được 32 cán bộ, công nhân của đơn vị túc trực, vận hành 24/24 giờ suốt từ đầu đợt chống hạn vụ Xuân. Đây là hệ thống thủy lợi quan trọng, cung cấp nước cho gần 6.000ha nông nghiệp thuộc 3 huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn.Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, đến ngày 16/2, tổng diện tích canh tác vụ Xuân 2021 trên địa bàn TP đã có nước là hơn 68.000ha, bằng khoảng 81% kế hoạch sản xuất. Đặc biệt, hiện đã có 4 huyện hoàn thành công tác lấy nước gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai và Mỹ Đức. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cho biết: “Hiện nay tỷ lệ lấy nước của nhiều địa phương còn thấp so với kế hoạch, do vậy, các DN thủy lợi đang tận dụng tối đa nguồn nước hiện còn cũng như bố trí cán bộ, công nhân tổ chức vận hành lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân, bảo đảm tiến độ chung của toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ”.Bên cạnh tập trung lấy nước, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đề nghị các địa phương vận động bà con sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tích cực xuống đồng thu hoạch cây vụ Đông. Tổ chức gia cố bờ vùng, bờ thửa và làm đất, đổ ải để giữ nước trên đồng ruộng, bảo đảm chống thất thoát, lãng phí nguồn nước, không để thiếu nước gieo cấy vụ Xuân 2021.
Hà Nội phấn đấu cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ Xuân 2021 trước ngày 5/3. Chính vì vậy, cùng với đẩy nhanh tiến độ lấy nước, đề nghị các quận, huyện, thị xã tích cực vận động bà con khẩn trương xuống đồng làm đất, đổ ải, sản xuất mạ để gieo cấy lúa Xuân, bảo đảm tiến độ theo đúng khung thời vụ.Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ |