Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội Luật gia Hà Nội phổ biến Luật Thủ đô 2024

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/9, Hội Luật gia Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai công tác hội quý IV/2024 và phổ biến Luật Thủ đô.

Theo đó, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đã phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Thủ đô 2024 tới cán bộ chủ chốt của các đơn vị Hội.

Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Thủ đô 2024
Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Thủ đô 2024

Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 23/7/2024. Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; riêng các quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thử nghiệm có kiểm soát; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương và 54 điều. Cụ thể:

Chương I. Những quy định chung: gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7).

Chương II. Tổ chức chính quyền đô thị: gồm 9 điều (từ Điều 8 đến Điều 16).

 Chương III. Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33).

Chương IV. Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô: gồm 10 điều (từ Điều 34 đến Điều 43).

Chương V. Liên kết, phát triển vùng: gồm 4 điều (từ Điều 44 đến Điều 47).

Chương VI. Giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô: gồm 5 điều (từ Điều 48 đến Điều 52).

Chương VII. Điều khoản thi hành: gồm 2 Điều (Điều 53, Điều 54).

Nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô 2024 nhằm khắc phục tồn tại của Luật Thủ đô 2012 khi không có nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm những điều khoản của Luật Thủ đô 2012 không còn là giá trị riêng của Thủ đô, bị các luật ban hành sau vô hiệu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật chung. Luật Thủ đô 2024 đã có 1 Điều riêng về nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô, trong đó, xác định ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong trường hợp có quy định khác về cùng một vấn đề với luật, nghị quyết khác.

Luật, nghị quyết ban hành sau ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, có quy định khác về cùng một vấn đề với Luật Thủ đô 2024, thì phải quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; nếu không quy định nhưng xét thấy cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.