Hồi sinh đồ chơi trung thu thất truyền của trẻ em Hà Nội xưa Khánh Huy/phapluatxahoi 15:39 06/09/2022 Chia sẻ Theo dõi Kinh tế đô thị trên Kinhtedothi - Từ cái tâm của một nghệ nhân trẻ, Đặng Văn Hậu đã dùng hết tâm huyết để từng bước khôi phục lại con giống bột - món đồ chơi trung thu truyền thống của trẻ em Hà Nội vốn đã thất truyền trong thời gian dài. Với trẻ em Hà Nội xưa, bên cạnh đèn ông sao, mũ lân, mâm cỗ, đèn cù... vẫn còn một món đồ chơi luôn in sâu trong tâm trí của những người đã từng có tuổi thơ trẻ nhỏ, đó là những bộ đồ chơi con giống làm từ bột gạo bày bên mâm ngũ quả ngày Tết Trung thu. Quầy hàng của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu là gian hàng duy nhất trưng bày và bán những bộ con giống bột đồ chơi Trung thu xưa cũ giữ nguyên nét hồn của ngày Tết trẻ em. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ, con giống bột là đồ chơi không thể thiếu với trẻ em Hà Nội xưa. Con giống bột có 3 phong cách chính là con giống Phú Xuyên (con gọi là con bánh chim cò), con giống Đồng Xuân (con giống phố ta) và con giống phố Khách (phố Tàu). Nghệ nhân Hậu cho biết thêm, hiện nay khái niệm Tò he mà mọi người biết nhiều là cách gọi sai của con giống bột. Thực tế, Tò he là một ngoại đồ chơi bằng đất nung, hình con chim, con gà, có thể thổi kêu được. Trong ảnh là con Tò te, cũng là một loại đồ chơi nặn từ một gạo và cắm thêm lưỡi gà có thể thổi kêu thành tiếng tò te. Theo lời kể của Đặng Văn Hậu, con giống bột vốn giữ được tên gốc nhưng một sự nhầm lần năm 1990 đã khiến cái tên bị thay đổi hoàn toàn. Trong một ngày hội, cụ Đặng Văn Tố miệt mài nặn những con giống bột đầy màu sắc, có một nhà báo đột nhiên hỏi "đây có phải Tò he không?". Do quá đông nên cụ Tố ậm ừ cho xong và cái tên Tò he bắt đầu gắn với con giống bột từ đó. "Năm 1990, sự sai lầm Tò he đã khiến nhiều cụ cao niên trong làng Xuân La, Phú Xuyên rất tức giận bởi những sản phẩm đầy tâm huyết, màu sắc và giá trị văn hoá lại bị nhầm thành một thứ đồ chơi ăn xổi và làm hàng loạt. Hiện tại,tôi vẫn đang trong quá trình phục dựng lại những con giống bột đồ chơi. Tuy biết rằng cái tên Tò he đang là sai và rất muốn tìm hướng để trả lại tên cũ cho con giống bột nhưng Tò he đã là tên được mọi người biết đến và rất khó để có thể tìm lại được tên cũ" - nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ thêm. Theo lời kể của Hậu, thậm chí đến con giống Phú Xuyên (con bánh chim cò) cũng không được người dân làng nặn từ năm 1989. Thay vào đó, từ những năm 90, người làng Xuân La lại hay nặn con giống bột trên que tre với hình tượng bộ đội, người lính, người hùng, siêu nhân... Đến vài năm gần đây, con giống Phú Xuyên mới được hồi sinh. Từ năm 2017, dưới sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách và truyền kỹ thuật của nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh, nghệ nhân Hậu cũng từng bước khôi phục lại những bộ con giống bột truyền thống của hai phong cách Đồng Xuân và phố Khách. "Lúc mới bắt đầu khôi phục các con giống bột, gia đình tôi còn ngăn cản nhưng vì quá yêu những con giống sinh động này nên tôi vẫn cố làm. Không chỉ là những món đồ chơi, trong đó còn chứa đựng cả những giá trị văn hoá và những bài học, những câu chuyện ẩn sau từng con giống" - nghệ nhân Hậu chia sẻ. Bộ Ngũ hổ nặn theo phong cách Đồng Xuân. Đây là những con giống bột được các bà, các cô khu vực Đồng Xuân, phố cổ lúc nhàn rỗi mà ngồi nặn ra. Chủ đề con giống Đồng Xuân là những hình tượng dân gian, gần gũi với đời sống con người cùng nét nặn đơn sơ, mộc mạc. Bộ Tứ linh đại diện tiêu biểu cho phong cách con giống phố Khách, vốn là một cách nặn đất của những người Hoa sống tại Hà Nội xưa. Phong cách này cần một bộ dụng cụ chuyên biệt, đề cao sự tinh xảo, cầu kì và chủ đề thường là những hình tượng gắn với thần thoại Ngoài nắm bắt toàn bộ kỹ thuật của ba phong cách con giống bột, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã sáng tạo, cải tiến và nâng tầm con giống bột hơn nữa. Từ kinh nghiệm cá nhân, anh kết hợp những kỹ thuật đặc trưng nhất của cả 3 phong cách để tạo ra những con giống bột mới. Trong ảnh là bộ "Nghê hý châu" với phần đuôi là kỹ thuật xoắn màu bột đặc trưng của phong cách Phú Xuyên, thân mình vảy tinh xảo của con giống phố Khách và miệng ngậm châu của con giống Đồng Xuân. Bộ Ngũ hổ được nghệ nhân Hậu nặn trong năm Nhâm Dần cũng được sử dụng kết hợp kỹ thuật của 3 phong cách dựa trên hình tượng ngũ hổ của tranh dân gian Việt Nam. Quầy hàng của nghệ nhân Hậu tại số 75 Hàng Mã luôn thu hút nhiều người yêu thích những giá trị truyền thống. "Những năm gần đây, kể cả năm nay, những bộ con giống bột tôi làm ra không kịp để bán. Thậm chí, hiện nay chúng tôi còn đang nợ đơn hàng khoảng 200-300 mẫu nữa nhưng có lẽ sẽ chỉ đáp ứng được một nửa. Bởi lẽ, nặn con giống bột như thế này rất mất thời gian. Ví dụ như ông Tiến sỹ, ngồi nặn cả ngày chỉ được 4-5 mẫu" - nghệ nhân Hậu chia sẻ. "Hiện nay, tôi cũng nhận đào tạo học viên hàng năm miễn phí. Tuy nhiên, các bạn ở lại với nghề rất ít bởi nặn một con que chỉ mất 3-5 phút dễ hơn là bỏ cả ngày chỉ để nặn được một con giống bột. Để phù hợp với điều kiện kinh tế và thị hiếu, tôi cũng có cải tiến về nguyên liệu để con giống bột đẹp hơn, tinh xảo hơn và bảo quản được lâu hơn" - nghệ nhân Đặng Văn Hậu nói thêm.