Hơi tham và hơi vội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại khóa họp Đại hội đồng thường niên năm nay, các thành viên Liên Hợp quốc (LHQ) đã thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để cùng nhau thực hiện tới năm 2030.

Đó là sự tiếp nối của những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) được các thành viên LHQ thông qua năm 2000 với thời gian thực hiện cho tới năm 2015. Hết thời hạn đã định ra này, không phải tất cả 8 MDGs đều được các thành viên LHQ thực hiện đầy đủ nhưng nhiều mục tiêu đã được thực hiện. Kết quả đạt được cho đến nay của việc thực hiện MDGs có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cả nhân loại chứ không chỉ đối với tổ chức LHQ.

Cũng chính vì thế mà việc tiếp tục quá trình ấy cho thời gian từ sau 2015, theo hướng định hướng đúng đắn đã có và phát huy đà đã đạt được là chuyện rất cần thiết đối với LHQ và rất quan trọng đối với nhân loại.

17 SDGs, được cụ thể hóa hơn nữa thành 169 mục tiêu chi tiết, vừa được các thành viên LHQ thông qua phản ánh mong đợi pha trộn kỳ vọng chung là đến năm 2030 sẽ giúp thế giới của loài người đổi thay cơ bản và không còn đói nghèo. Cách đây 15 năm, với việc thông qua 8 MDGs, các thành viên LHQ cũng đã một lần pha trộn mong đợi và kỳ vọng như thế.

Khác với trước, ở việc thực hiện SDGs trong 15 năm tới, cả các nước công nghiệp phát triển cũng tham gia chứ không chỉ là chuyện dành riêng cho những nước đang phát triển và chậm phát triển. Ý tưởng thật tốt, động cơ thật tích cực và cách tiếp cận vấn đề thật thích hợp khi đặt trọng tâm vào tính bền vững của phát triển. Tuy nhiên, lẽ ra trước đó LHQ cần có nhìn nhận lại thật khách quan và đánh giá thật sự công minh và khoa học việc thực hiện những MDGs, rút ra từ thành công và thất bại những bài học kinh nghiệm quý giá cho LHQ và từng thành viên, rồi từ nền tảng đó hẵng xác định những mục tiêu phát triển chung cho thời kỳ tới.

Bây giờ đưa ra nhiều mục tiêu phát triển như thế, các nước thành viên LHQ có nhiều sự lựa chọn mục tiêu để thực hiện nhưng cả thế giới lại không thể có được sự tập trung cần thiết để cùng nhau giải quyết dứt điểm vấn đề này hay trong thời hạn nhất định cùng nhau đạt bằng được mục tiêu cụ thể nào đó.

Ngoài ra, LHQ còn có phần hơi vội khi vẫn còn mục tiêu phát triển được xác định rất chung chung khiến cho việc thực hiện cụ thể rất khó được định lượng và định tính. Khi xưa, để định tính và định lượng kết quả việc thực hiện MDGs, LHQ đưa ra 18 tiêu chí cụ thể và 48 chỉ số kỹ thuật. Nhưng bây giờ, chúng bị thay thế bằng cách 17 SDGs được cụ thể hóa thành 169 mục tiêu chi tiết.

Bởi vậy, cho dù đánh giá cao việc LHQ đưa ra mục tiêu phát triển để tất cả cùng chung tay thực hiện trong thời gian 15 năm tới vẫn không thể không thấy rằng trong chuyện này vẫn còn có những câu hỏi chưa được trả lời và những bất cập còn cần phải được tiếp tục bàn thảo.