Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơi thở có cồn sau khi ăn trái cây, lái xe cần làm gì khi bị kiểm tra?

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cơ quan chức năng, ăn hoa quả dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. Khi bị kiểm tra, lái xe có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã được tập huấn kỹ càng và có kinh nghiệm trong trường hợp này.

Lái xe không quá lo lắng khi rơi vào trường hợp hơi thở có cồn do ăn trái cây khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa.
Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn rất nhiều đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nhất là với hành vi uống rượu bia khi lái xe.
Qua gần 3 ngày đi vào thực tiễn, rất nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử phạt với khung quy định mới. Trong đó, 1 tài xế điều khiển ô tô trên cao tốc có nồng độ cồn vượt mức 0,4 miligam/ trên 1 lít khí thở đã bị tước bằng 23 tháng, đồng thời nộp phạt số tiền lên tới 35 triệu đồng.
Nghị định mới nhìn chung nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, chắc chắn đủ sức răn đe người uống rượu, bia mà còn cố tình điều khiển phương tiện giao thông, qua đó phần nào giảm bớt số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 1 vài ý kiến băn khoăn, khi quy định chỉ cần phát hiện có cồn trong khí thở hoặc máu, lái xe có thể bị xử phạt, thay vì nồng độ cồn tối thiểu 0,25 mg/l như trước đây.
Ngoài ra, việc ăn một số loại trái cây cũng dẫn tới kết quả có nồng độ cồn, điều này có thể gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia) cho biết: Các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.
Sau khi ăn, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước hoặc đi lại chừng 15 - 20 phút là lượng cồn này không còn lưu lại trong hơi thở nữa. Xác suất người dân vừa ăn xong thực phẩm chứa cồn liền bị cảnh sát giao thông kiểm tra là rất nhỏ.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Trang thông tin thêm, lực lượng cảnh sát giao thông đã được tập huấn kỹ về những thông tin này, nên người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng. Nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường sẽ không bị xử phạt.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng không gặp khó khăn để phân định những trường hợp này do đã có kinh nghiệm trong xử phạt người lái ô tô có nồng độ cồn.
Liên quan đến việc uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, bà Trần Thị Trang phân tích: Không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể, mà nó phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.
Thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn khoảng 10 gam cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất từ 1 - 2 giờ nữa.
Giải thích thêm về điều này, các bác sĩ cho hay, thời gian từ lúc uống rượu bia đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói... ngoài ra, còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của mỗi người...
Trong khi đó, theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong quá trình phát hiện xử phạt cảnh sát giao thông có 2 hình thức đo nồng độ cồn, đó là đo nồng độ trong hơi thở và thứ 2 là xét nghiệm máu để đo nồng độ cồn.
Trong quá trình lập biên bản, người vi phạm có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn. Nếu chưa rõ ràng, người vi phạm giao thông sẽ được xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.