Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi 2015 đã xem xét việc sở hữu xe máy tại 44 quốc gia, cho thấy 7 vị trí đầu đều thuộc về châu Á, với hơn 80% hộ gia đình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều có ít nhất một chiếc.
Tuy nhiên, một sự "biến mất" kỳ lạ của xe gắn máy tại TP lớn nhất Myanmar, Yangon, đã diễn ra kể từ năm 2003. Bất kể những tin đồn xung quanh sự thay đổi này, bao gồm cả một lệnh cấm nội bộ, thì thực tế cho thấy nó đã thay đổi đáng kể cuộc sống của TP.
Lệnh cấm xe máy tạo ảnh hưởng đa chiều với giao thông nơi đây, khi một mặt, nó tăng tiêu chuẩn đối với mỗi người dân để có thể sở hữu một phương tiện cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít xe lưu thông trên đường hơn, gíup giảm ách tắc giao thông. Ở Yangon, tỉ lệ phương tiện cá nhân vào khoảng 135 chiếc/1.000 người - chỉ bằng 1/4 mức ở TP lớn thứ 2 Myanmar, Mandalay.
Mặt khác, lệnh cấm này lại làm tăng tỷ lệ sở hữu xe hơi ở Yangon, cao hơn 40% so với Mandalay. Một nghiên cứu của Đại học Tokyo ước tính rằng lệnh cấm của Yangon làm giảm lưu lượng giao thông tới 18%, nhưng tỷ lệ đó được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 5% vào năm 2035 khi thu nhập người dân tăng lên với nhiều chủ sở hữu ô tô hơn.
Hiệu quả giảm tắc nghẽn là không thể phủ nhận, mặc dù lệnh cấm có thể gây bất tiện với nhiều người. Các DN tỏ ra khó chịu với sự hạn chế này bởi ngành công nghiệp non trẻ của Yangon chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào dịch vụ giao hàng bằng xe gắn máy.
Bên cạnh đó, một số hạn chế trong giao thông công cộng đã khiến 6 triệu dân của Yangon vẫn phải chịu cảnh chen chúc, điển hình là khi sử dụng tàu hỏa. Phần lớn đường ray đã có tuổi đời khá cao, trong khi tốc độ đầu máy chỉ đạt khoảng 5 - 10km/h. Chính quyền TP gần đây đã thúc đẩy việc đại tu mạng lưới xe buýt, tuy nhiên hệ thống hiện vẫn còn chưa đủ để phục vụ người dân.