Ninh Thuận:

Hơn 2.283 tỷ đồng đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là hơn 2.283 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên vừa ký Quyết định 469/QĐ-UBND ban hành Kế hạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Đến năm 2025, Ninh Thuận giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ảnh: T.Q
Đến năm 2025, Ninh Thuận giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ảnh: T.Q

Cụ thể, trong thời gian tới Ninh Thuận tiếp tục củng cố và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với doanh nghiệp sản xuất-chế biến tiêu thụ sản phẩm cả về quy mô, chất lượng hoạt động.

Trong đó, phấn đấu trong 5 năm tới mỗi huyện thành lập mới ít nhất một đơn vị hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp tại xã có đông đồng bào DTTS sinh sống; mỗi xã vùng đồng bào DTTS và miền núi thành lập mới ít nhất hai Tổ hợp tác.

Đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 98% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường 97%, học trung học cơ sở 95%, học trung học phổ thông 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông 90%; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số.

Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Ảnh: T.Q
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Ảnh: T.Q

Ngoài ra, kế hoạch cũng hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Song song đó là kế hoạch đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Ninh Thuận sẽ triển khai 10 dự án hướng về DTTS và miền núi trong 5 năm tới. Một số dự án điển hình như dự án: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…

Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là hơn 2.283 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn được lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là hơn 1.936 tỷ đồng và tổng vốn lồng ghép từ hai Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững là hơn 347 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần