Hơn 200.000 tỷ đồng “phá băng” bất động sản: Làm sao giải ngân nhanh, hiệu quả?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng cho vay bất động sản (BĐS) theo phản ánh người dân, cần đến đúng đối tượng thụ hưởng. Về phía các DN cũng kiến nghị, các địa phương cần sớm bố trí quỹ đất để có thể sớm triển khai dự án nhà ở xã hội.

Quan tâm tới tính hiệu quả, thực tế giải ngân được bao nhiêu

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Trong đó, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; 50% còn lại sẽ dành cho người mua và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Với gói 120.000 tỷ đồng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng lớn (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank), thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Được biết, cả hai gói tín dụng trên đều hướng đến các đối tượng là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ là tiền đề tháo gỡ cho thị trường, cùng đó là niềm hy vọng của DN có thể được tiếp cận. Đặc biệt là đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực.

Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển BĐS EZ (EZ Property) Phạm Đức Toản, cho biết, đối với DN là vấn đề kẹt dòng vốn, lãi suất rất cao. Bên cạnh đó là vướng mắc về pháp lý. Theo đó, để giải quyết các vấn đề khó khăn, ông Toản cho rằng, đầu tiên phải đưa được gói tín dụng ra.

Với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng. Do sử dụng nguồn tái cấp vốn, theo lịch sử thì thường các gói tín dụng này có thời gian giải ngân kéo dài và do đó số cung tiền này sẽ tăng dần dần chứ không "bơm" 110.000 tỷ đồng ngay lập tức (chưa kể độ trễ của việc ban hành các Thông tư hướng dẫn).

“Nếu chỉ đưa ra gói tín dụng thuần túy mà không có hướng dẫn, quy định cụ thể thì rất khó xác định đúng đối tượng, mục đích kinh doanh dự án. Bây giờ nếu chúng ta chỉ đưa ra gói tín dụng nhưng không kiểm soát chặt, không quy định rõ ràng lập tức tiền sẽ chảy đi chỗ khác. Theo tôi, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng hay 120.000 tỷ đồng, quan tâm tới tính hiệu quả, thực tế giải ngân được bao nhiêu?” - ông Toản nói.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, gói 110.000 tỷ mà Bộ Xây dựng đang đề xuất được triển khai theo phương thức tái cấp vốn thì sẽ phải nằm trong Đề án Tổng thể về phát triển nhà ở xã hội và cần thời gian, còn gói 120.000 tỷ là chương trình cam kết của các NHTM với lãi suất ưu đãi có thể triển khai cho vay luôn, nhưng phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường.

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc

Chủ tịch HĐQT Công ty NHS Hà Nội  Nguyễn Hoài Nam cho biết, rất vui vì sắp tới có 2 gói tín dụng lớn cho nhà ở xã hội. Nguồn tín dụng này để hỗ trợ chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, hỗ trợ người thuê mua. Theo ông Nam, bản thân DN làm nhiều nhà ở xã hội nhưng chưa dự án nào chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi. “Tôi mong với 2 gói tín dụng mới triển khai sớm với thủ tục đơn giản, dễ dàng cho cả chủ đầu tư và người dân” - ông Nam cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, khi thị trường "đóng băng", gói tín dụng được đưa ra để phát triển nhà ở xã hội, nhắm vào nhu cầu thực của người dân, từ đó hiệu ứng lan tỏa ra các phân khúc khác.

Tuy nhiên, việc đưa ra gói tín dụng lớn mới chỉ đáp ứng điều kiện cần. Điều kiện đủ là tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Xây nhà giá rẻ là thách thức không nhỏ cho các bên. Bất chấp nhu cầu rất cao của người dân về nhà giá rẻ, phân khúc này lâu nay không được nhiều nhà đầu tư mặn mà. Chính HoREA từng chỉ rõ 5 điểm nghẽn kìm hãm DN tham gia vào phát triển nhà ở xã hội như ách tắc nguồn vốn do chậm bố trí ngân sách làm vốn mồi; nhà ở xã hội bị áp thuế cao hơn luật định; hạn mức lợi nhuận của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư trong khi DN phải đối diện một loạt chi phí không tên khác; rủi ro pháp lý lớn.

HoREA cho rằng, vấn đề khó khăn hiện nay là giải quyết chính sách, tiếp theo là tài chính và cuối cùng là đất đai. Bộ Xây dựng đang giải quyết vấn đề tài chính để có một khoản tiền chuẩn bị và hi vọng năm 2024 sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, các dự án nhà ở xã hội đều đang vướng thủ tục pháp lý và vướng mắc về cả vị trí, giá cả, đặt ra nhiều vấn đề hơn trong xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội)”.

Ngoài ra, một số các đề xuất liên quan đến "giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án BĐS từ 2-3 năm để giúp các DN có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án" - một trong những điều kiện để cho phép DN tiếp cận vốn mới vẫn chưa được xem xét.

Bên cạnh các gói hỗ trợ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, cần xem xét cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng một căn. Bởi lẽ, nhà ở xã hội chỉ bán giới hạn cho một số đối tượng được hưởng chính sách, những người không nằm trong diện được mua nhà ở xã hội có thể tiếp cận nhà ở thương mại giá rẻ để an cư lạc nghiệp, giúp mở rộng lực cầu cho thị trường. Tuy nhiên, để thực hiện một chính sách hỗ trợ phát triển nhà giá thấp hiệu quả, cần có sự giám sát, thực thi nghiêm ngặt sao cho đảm bảo tính minh bạch, công bằng, đúng đối tượng. (Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu)