Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại ngõ 34, đường Xuân La, quận Tây Hồ:

Hơn 30 năm sống chung với ô nhiễm

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sống dọc khu vực mương thoát nước Xuân Tảo–Xuân La (ngõ 34, đường Xuân La, quận Tây Hồ)-khu vực giáp ranh giữa phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường do hệ thống mương lộ thiên gây ra.

Thấp thỏm nỗi lo

Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của ông Hoàng Liên Sơn, đại diện cho khoảng 30 hộ dân sinh sống tại ngõ 34, đường Xuân La, quận Tây Hồ về tình trạng ô nhiễm môi trường do hệ thống mương thoát nước hở dọc ngõ gây ra. Theo phản ánh, tình trạng trên đã diễn ra hơn 30 năm qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân trong khu vực nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý kịp thời.

Mương thoát nước Xuân Tảo - Xuân La lộ thiên, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Ảnh: Vân Nhi
Mương thoát nước Xuân Tảo - Xuân La lộ thiên, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Ảnh: Vân Nhi

Cụ thể, theo ông Hoàng Liên Sơn, mương thoát nước này có nguồn gốc là hệ thống mương cấp, thoát nước tưới tiêu của khu vực Phú Thượng, Xuân La từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, nhu cầu phát triển nông nghiệp (trồng đào, quất…) tại khu vực Phú Thượng giảm mạnh, hệ thống mương Xuân Tảo – Xuân La nay chỉ có chức năng tiêu thoát nước thải của các hộ dân dọc tuyến mương…

Cũng theo ông Sơn, cùng với quá trình đô thị hóa, đặc biệt là khi đường Võ Chí Công và đường Xuân La được xây dựng, đưa vào sử dụng, phần lớn con mương này đã được bê tông hóa, chỉ còn một đoạn ngắn khoảng 140m qua khu vực khu dân cư ngõ 34 đường Xuân La và trường Tiểu học Xuân La vẫn lộ thiên, sườn đất tạm bợ, không được kè kiên cố, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. “Vào mùa khô, đặc biệt là những ngày nắng nóng, nước trong mương bốc mùi xú uế khiến người dân, thậm chí là các lớp học của trường Tiểu học Xuân La không dám mở cửa chính, cửa sổ sinh hoạt, giảng dạy bình thường” – ông Hoàng Liên Sơn chia sẻ.

Đồng quan điểm của ông Sơn, ông Hoàng Đình Đa cho biết, không chỉ đối mặt với tình trạng mất vệ sinh môi trường, việc tồn tại hệ thống mương thoát nước này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo ông Đa, do phần ngăn cách giữa đường ngõ và mương thoát nước quá thấp (chỉ bằng một hàng gạch) nên có không ít trường hợp người điều khiển phương tiện do thiếu quan sát đã lao thẳng xuống mương, đặc biệt là ban đêm.

Chờ đến bao giờ?

Theo ông Hoàng Liên Sơn, trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại mương thoát nước ngõ 34 Xuân La, người dân trong khu vực đã kiến nghị các đơn vị có liên quan xem xét bê tông hóa tuyến mương, tạo thành đường đi và cảnh quan cây xanh cho khu dân cư và trường Tiểu học Xuân La.

Song, đến thời điểm này, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý. Ông Sơn cho rằng, nếu được thông qua, biện pháp trên không chỉ đảm bảo được vệ sinh môi trường cho khu vực mà còn góp phần cải thiện tình trạng ùn ứ giao thông xung quanh trường Tiểu học Xuân La. Bởi hàng ngày, vào giờ cao điểm, khu vực đường Xuân La trước cổng trường Tiểu học Xuân La luôn bị ùn ứ do phụ huynh đưa đón con đến trường. Do đó, khi được cống hóa, trường Tiểu học Xuân La có thể mở thêm cổng phụ ra phía này, góp phần giảm thiểu ùn tắc cho khu vực cổng chính.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Lê Tiến cho biết, UBND phường đã kiến nghị UBND quận Tây Hồ có biện pháp khắc phục tình trạng trên. Hiện tại, UBND quận đã giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, UBND phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) lên kế hoạch cống hóa, cải tạo cảnh quan đô thị, mở thêm một trục giao thông nữa nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc cho khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến, hiện nay, dự án vẫn đang trong giai đoạn thẩm định, chờ phê duyệt. Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La, mặc dù là dự án nhỏ nhưng để triển khai được vẫn phải thực hiện theo trình tự, quy định hiện hành như các dự án lớn. “Dù cải tạo như thế nào, dự án vẫn phải đảm bảo mục tiêu chính là thoát nước. Trong khi đó, đây là hạng mục do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý nên cần văn bản thống nhất của Sở Xây dựng về hướng tuyến, quy mô của dự án. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ phê duyệt dự án bị chậm” – ông Lê Tiến cho biết.

Để đảm bảo cuộc sống của người dân, kiến nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nỗi thống khổ của những người dân ngõ 34 Xuân La sớm kết thúc.