Hơn 652.000 máy tính ở Việt Nam bị lợi dụng để tấn công mạng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 7, hệ thống kỹ thuật của Cục đã ghi nhận 652.221 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng lưới các thiết bị máy tính bị cài mã độc và chiếm quyền điều khiển).

Tính đến hết tháng 7, đã có 83 đơn vị gồm 62 tỉnh, thành phố và 21 bộ, ngành triển khai giải pháp phòng chống mã độc tập trung và kết nối chia sẻ thông tin về mã độc với hệ thống của NCSC.

Hơn 652.000 máy tính ở Việt Nam bị lợi dụng để tấn công mạng.
Hơn 652.000 máy tính ở Việt Nam bị lợi dụng để tấn công mạng.

Qua kết nối chia sẻ dữ liệu về mã độc từ 83 đơn vị, trong tháng 7, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận 73/83 đơn vị có kết nối thường xuyên, 62/73 đơn vị có chia sẻ về hệ điều hành các máy.

Thông tin về tình hình lây nhiễm mã độc trên cả nước, Cục An toàn thông tin cho hay, trong tháng 7, hệ thống kỹ thuật của Cục đã ghi nhận 652.221 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng lưới các thiết bị máy tính bị cài mã độc và chiếm quyền điều khiển, được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng, còn được gọi là mạng máy tính ma) giảm 7,48% so với tháng 6. Trong đó, có 175 địa chỉ IP của cơ quan, tổ chức nhà nước, gồm 18 địa chỉ IP cấp bộ, ngành và 157 địa chỉ IP của địa phương.

Trước đó, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 cho thấy trong 6 tháng đầu năm, số địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet là 704.939 và mục tiêu đến cuối năm 2022 chỉ còn 500.000 địa chỉ.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm đối với lĩnh vực an toàn mà cơ quan quản lý đặt ra là trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam; Kiểm tra mức độ tuân thủ an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức.

Năm 2021, Việt Nam có hơn 3.300 website trong nước bị xâm nhập và thay đổi giao diện, trung bình hàng tháng hơn 700.000 IP Việt Nam nằm trong mạng botnet (số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Số liệu của Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, cho biết, trong năm 2021, thông qua công tác giám sát an toàn thông tin, Trung tâm đã phát hiện 811.902 nguy cơ tấn công mạng, tăng 5,5% so với năm 2020, trong đó 757.064 (hơn 93,2%) là các tấn công mạng khai thác lỗ hổng bảo mật, nhắm vào các hệ thống cổng thông tin điện tử, các hệ thống chỉ đạo điều hành tác nghiệp.

Ngoài ra, khoảng 31.013 là các tấn công mạng liên quan đến các hình thức truy cập trái phép. Đặc biệt, số lượng tấn công liên quan đến mã độc được phát hiện là 19.091, với nhiều hình thức tấn công phức tạp, tinh vi.

Các chuyên gia đã dự báo năm 2022 các cuộc tấn công bằng mã độc vẫn gia tăng, đặc biệt là mã độc mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc (ransomware). Người sử dụng cần trang bị ngay phần mềm diệt virus có khả năng tự động cập nhật cho máy tính.

Với ransomware, người dùng được khuyến nghị cần phòng vệ một cách chủ động, thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu và cần có cơ chế sao lưu định kỳ.