Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hong Kong sẵn sàng cho "cách mạng gió"?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít nhất 2 nhà cung cấp điện lớn tại Hong Kong (Trung Quốc) đã đề xuất các kế hoạch đẩy mạnh nguồn cung từ năng lượng gió, phục vụ mục tiêu khí hậu của TP.

Hiện nay, năng lượng từ gió đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nhu cầu điện năng của thế giới. Trung Quốc đại lục hiện là nơi có công suất điện gió được lắp đặt lớn nhất toàn cầu, mặc dù năng suất đó vẫn chưa đủ đáp ứng được 10% nhu cầu dân số hàng tỷ của nước này.

Xếp sau Trung Quốc đại lục là Liên minh châu Âu và Mỹ. Tại một số quốc gia châu Âu, điện gió chiếm đến 20% trong tổng nguồn cung. Ngay cả Pháp - quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân trong chính sách năng lượng sạch - cũng lấy hơn 8% nguồn cung từ các trang trại gió.

Theo SCMP, trong cuộc "cách mạng gió" này, điều khiến Hong Kong (Trung Quốc) trở nên đáng chú ý hơn cả là năng lượng gió không nằm trong nguồn cung cho lưới điện của TP, mặc dù đặc khu này không thiếu lãnh hải cho các trang trại điện gió.

Đây được cho là một thiếu sót trong lĩnh vực môi trường mà đặc khu này có thể sớm được khắc phục, với những kế hoạch mới nhất đã được công bố bởi 2 nhà cung cấp điện là HK Electric và China Light & Power (CLP).

Cụ thể, HK Electric đã tiết lộ một kế hoạch lắp đặt tới 19 tuabin trên khu đất rộng 600ha, cách đảo Lamma khoảng 4 km về phía Tây Nam - nơi dự kiến sẽ là trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên của Hong Kong - có thể đi vào hoạt động năm 2027. Năm ngoái, CLP, công ty lớn hơn HK Electric, đã công bố các nghiên cứu về kỹ thuật và môi trường trên một trang trại điện gió tiềm năng ngoài khơi gồm 17 - 31 tuabin ở vùng biển phía Đông Nam Vịnh Clear Water.

Xét về việc đối phó với biến đổi khí hậu, các kế hoạch nói trên tại Hong Kong được cho là động thái "muộn còn hơn không". Nếu chúng thành hiện thực, 2 đề xuất này sẽ góp phần vào mục tiêu của chính quyền về giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong nguồn cung hỗn hợp năng lượng hiện tại cho phát điện lên từ 7,5% - 10% vào năm 2035.

Mặc dù Hong Kong tỏ ra tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác trong việc khử cacbon trong hỗn hợp năng lượng, 2 nhà cung cấp CLP và HK Electric ít nhất sẽ sử dụng công nghệ tuabin gió với hiệu suất cao hơn, đã được Cục Bảo vệ Môi trường Hong Kong phê duyệt gần đây.

Và với bất kỳ sự phát triển nào ở vùng biển xa bờ, các bên đề xuất sẽ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và sinh thái, cũng như các thách thức kỹ thuật của việc xây dựng nền móng dưới đáy biển đối với các công trình có độ cao tương đối.

Trong trường hợp này, các kế hoạch liên quan đến việc phải dung hòa các mối quan tâm về bảo tồn và môi trường, giữ cho 2 hành lang xanh đó hòa hợp. Giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch thông qua việc sử dụng các nguồn thay thế có thể tái tạo là tốt cho việc bảo tồn môi trường tự nhiên.

Chẳng hạn, trong kế hoạch của mình, HK Electric nói rằng sinh vật biển của Đảo Lamma là "tầm quan trọng hàng đầu" và công ty đã lên phương án cho các biện pháp tránh xây dựng trong mùa động vật hoạt động. Bãi biển Sham Wan trên đảo Lamma là địa điểm duy nhất của Hong Kong trong số ít bãi làm tổ của loài rùa biển xanh ở Biển Đông. Đây là loài động vật được quốc tế xếp vào dạng có nguy cơ tuyệt chủng.

Việc tham vấn với các tổ chức thủy sản và môi trường, cũng như các tổ chức học thuật và hội đồng khu vực về thiết kế, xây dựng và vận hành, được cho sẽ mang lại hiệu quả về lâu dài. Với những nỗ lực này, liệu Hong Kong đã sẵn sàng cho cuộc "cách mạng gió" của riêng mình?