Họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ XI

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau lễ bế mạc ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong chủ trì họp báo thông tin kết quả ĐH đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Trước câu hỏi về Đề án nhân sự của Ban Bí thư T.Ư Đoàn là 7 người, nhưng đại hội mới chỉ bầu ra được 4 Bí thư T.Ư Đoàn. Việc kiện toàn sẽ được tiến hành như thế nào? Chất lượng cán bộ Đoàn hiện có đáp ứng yêu cầu kiện toàn Ban bí thư?...
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, quy trình để bầu ra được Bí thư T.Ư Đoàn là rất chặt chẽ, qua rất nhiều bước; phải tìm ra được người hội tụ đủ yếu tố, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác Đoàn, có thể đảm đương được trọng trách, gánh các trách nhiệm của một Bí thư T.Ư Đoàn. Thường sau Đại hội, vấn đề khuyết Bí thư là bình thường, khi nào tìm được những người đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng của Đoàn, Đảng, T.Ư Đoàn sẽ kiện toàn.
Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi họp báo.
Về vấn đề làm gì để thanh niên làm chủ nước nhà một cách xứng đáng nhất theo phát biểu của Tổng Bí thư, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, phải trang bị tâm thế cho thanh niên hiểu về thực trạng đất nước, phát huy được những gì thuận lợi, hạn chế được khó khăn. Cùng với đó, giúp thanh niên nhận thức được vị trí, đủ hành trang, kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc, kiến thức kỹ năng xã hội, hiểu biết về thế giới.
“Hiểu đúng, hành trang đầy đủ thì hành động đúng. “Cũng vì thế, ĐH lần này tổ chức nhiều diễn đàn để các đại biểu đối thoại với các bộ trưởng, hiểu thêm về chính sách của Đảng, Nhà nước, góp ý về chính sách để đóng góp giải pháp”, anh Phong nói. 
Trả lời các câu hỏi về chương trình hành động của ĐH đáp ứng kỳ vọng của Tổng Bí thư về việc khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn”, thanh niên phải có bản lĩnh, xứng đáng làm chủ nước nhà một cách xứng đáng nhất, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách của nhà nước, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền bằng nhiều biện pháp khác nhau, tuyên truyền qua mạng xã hội. Cán bộ Đoàn phải gương mẫu, cống hiến tài năng, sức trẻ... Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin chính thống, kịp thời, giúp thanh niên nắm vững quan điểm, tránh những thông tin luận điệu xuyên tạc, chống phá... Anh Lương cũng cho biết, trong nhiệm kỳ sẽ tổ chức nhiều hội thảo, chương trình để thanh niên nắm bắt, hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về vấn đề nhạt Đoàn, phai Đoàn trong thanh thiếu niên, anh Lương cho biết, giải pháp đặt ra là tuyên truyền để thanh niên hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của Đoàn thanh niên, những đóng góp của thanh niên qua các thời kỳ; đổi mới nội dung, phong trào hành động cách mạng của Đoàn, giúp thanh niên rèn luyện, trưởng thành thêm. Cùng với đó, tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng, xu hướng của giới trẻ. Hiểu được thì mới thiết kế nội dung hoạt động phù hợp được. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn, đề cao việc noi gương, tiên phong, sâu sát với thanh niên...
Về vấn đề bản lĩnh của thanh niên, anh Lương cho biết, đây là vấn đề đặt ra trong bối cảnh tình hình mới, yếu tố bản lĩnh đóng vai trò quan trọng. Trong dự thảo Nghị quyết cũng nêu, việc giáo dục lý tưởng là nhiệm vụ trọng tâm, cung cấp các thông tin chính thống. Đổi mới, triển khai các phong trào cách mạng, các vấn đề mới về khởi nghiệp, học ngoại ngữ, vừa là bồi dưỡng lý tưởng, cung cấp thêm kiến thức, vừa là môi trường rèn luyện, thông qua đó để rèn bản lĩnh cho thanh niên.
Về vấn đề khởi nghiệp, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, trong 11 chỉ tiêu có tới 3 chỉ tiêu liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên. Cụ thể như hỗ trợ 1000 dự án khởi nghiệp, huy động 10 nghìn tỷ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tư vấn hướng nghiệp cho 10 triệu đoàn viên thanh niên, giới thiệu việc làm cho 1,5 triệu thanh niên. Trong giải pháp, Đoàn phát động 3 phong trào, chương trình lớn về khởi nghiệp, lập nghiệp. ĐH cũng có đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng.
“Khởi nghiệp cũng là đòi hỏi đất nước đặt ra, làm gì để có công cụ, phương thức để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, anh Tuấn nói. Theo anh Tuấn, trước mắt là thành lập trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có hoạt động, phương thức khởi nghiệp. “Đoàn cũng đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để thành lập Quỹ khởi nghiệp cho thanh niên. Đoàn cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để đẩy mạnh khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đoàn cũng sẽ hỗ trợ về vốn, kết nối thị trường, về đối thoại chính sách... Đây là công việc T.Ư Đoàn các cấp bộ đoàn sẽ cố gắng trong thời gian tới để thực hiện...”, anh Tuấn nói.