Toạ đàm nằm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Hà Nội - Toulouse về hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị tiêu biểu và di tích khảo cổ học tại Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Phát huy di sản bền vững
TP Hà Nội đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với TP Toulouse từ năm 1996. Trải qua hơn 20 năm hợp tác, mối quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa TP Hà Nội và TP Toulouse đã không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như: Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản, di tích văn hóa; giao lưu, trao đổi văn hóa nghệ thuật; giáo dục đào tạo; kiến trúc, quy hoạch đô thị… đem lại nhiều lợi ích hiệu quả, thiết thực cho người dân của cả hai TP.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long Nguyễn Hồng Chi: Thực hiện Nghị định thư hợp tác giữa TP Hà Nội và Toulouse, từ năm 2013 đến nay, các hoạt động hợp tác phong phú với nhiều hình thức như tổ chức trưng bày, triển lãm chéo, trao đổi thực tập sinh.
Đặc biệt là Dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse về hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị tiêu biểu và di tích khảo cổ học tại Di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Điều này tạo cơ hội để các di sản tiêu biểu của mỗi TP được biết đến nhiều hơn và các hoạt động giao lưu được tăng cường mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi để hiểu biết lẫn nhau.
Ví dụ như: Triển lãm với chủ đề “Nước” năm 2013; Triển lãm giới thiệu hiện vật tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long và Triển lãm tranh ảnh, bản đồ, bản vẽ về quá trình khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long trong khuôn viên Bảo tàng Georges Labit, TP Toulouse, năm 2014; Triển lãm chung mang chủ đề “Vật liệu kiến trúc - Hành trình từ đất” giới thiệu về bộ sưu tập hiện vật đất nung của Hoàng thành Thăng Long và TP Toulouse, năm 2019 nhân Hội nghị hợp tác phi tập trung Việt Nam - Pháp lần thứ 11; Trưng bày “Từ lòng đất đến bảo tàng - Hành trình của hiện vật” vừa khai mạc. Cuối năm 2023 sẽ là trưng bày chung được tổ chức tại TP Toulouse.
Tại buổi toạ đàm, chia sẻ về công tác bảo tồn và khai thác các giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới, phản ánh những đặc trưng nổi bật của nền văn hiến độc đáo có lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của vùng đất đế đô trên cơ tầng văn hoá – văn minh Việt cổ và Đại Việt. Nơi đây cũng phản ánh sự hội tụ, giao thoa, tiếp biến với những tinh hoa văn hoá của cả nước, trong khu vực và trên thế giới để từ đó sáng tạo nên nền văn hiến có trình độ cao, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc Việt Nam và đang tiếp diễn đến ngày nay”.
PGS.TS Tống Trung Tín đề xuất một số giải pháp khai thác gia trị khu Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long gồm: Nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên; xây dựng bảo tàng tại chỗ các dấu tích Cung điện Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long; nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của Hoàng thành Thăng Long.
Kinh nghiệm thế giới
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm về quá trình phát huy giá trị di sản khảo cổ học tại Pháp.
Giám đốc Di sản Toà thị chính Tolouse Pierre Pisani chia sẻ: Tại Pháp có khu khảo cổ học La domus de Cieutat tại Eauze (Gers) có nhiều điểm tương đồng với Hoàng thành Thăng Long. Khu vực này gồm 3 khu di tích bổ trợ cho nhau gồm: Khu di tích Eauze, Bảo tàng Eauze, khu di tích Montréal.
Ngay khi bắt đầu khai quật vào năm 2001, TP Eauze và các cơ quan chức năng đã có kế hoạch khai thác phát huy giá trị của khu vực này. Năm 2009, TP phát động một cuộc thi quản lý dự án và chọn ê-kíp trúng thầu trong khi các hoạt động khai quật khảo cổ vẫn đang được tiến hành. Sau quá trình khai quật, năm 2013, khu khảo cổ học này đã mở cửa đón khách tham quan.
Trong quá trình khai thác, khu di sản hướng tới 3 mục tiêu: Bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ bằng phương án xây hệ thống mái che, trưng bày các di tích của thế kỷ thứ IV cũng như bằng các kỹ thuật xây dựng cổ, quản lý hệ thống nước ngầm.
Để có được những thành công về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Giám đốc Di sản Toà thị chính Tolouse Pierre Pisani cho biết: Dự án này có sự phối hợp các nhà khảo cổ học, kiến trúc sư và các tổ chức khác nhau. Quy trình thiết kế dự án được thực hiện mềm dẻo, linh hoạt, được khách tham quan yêu thích và đánh giá cao.
Tại buổi toạ đàm, KTS Jean Francois Milou - chuyên gia Pháp - Văn phòng Studio Milou Singapore chia sẻ ý tưởng biến khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thành công viên.
Theo ông Jean Francois Milou: Với yêu cầu về quy hoạch rất nghiêm ngặt của khu vực xung quanh Hoàng thành Thăng Long, chúng ta chỉ có thể xây dựng một công trình không cao quá 5m.
Khi đó có thể xây dựng nơi đây giống như một công viên dành riêng cho khu khảo cổ học của Hoàng thành Thăng Long. Khu công viên này sẽ được nhìn thấy từ phía Tòa nhà Quốc hội. Hình ảnh hai công trình kế bên nhau biểu tượng cho mối liên hệ giữa Hà Nội ngày nay và Hà Nội trong quá khứ. Bước vào trong, một công trình quan trọng là bảo tàng khảo cổ học ngầm rộng lớn với lối tiếp cận trực tiếp tới các hố khảo cổ.
Cũng tại toạ đàm, KTS Maie Kitamura - chuyên gia về bảo tồn di sản đã chia sẻ các kinh nghiệm về việc xây dựng công trình trên di tích khảo cổ; bảo tồn di tích trong điều kiện thời tiết xấu; bảo vệ di tích, phát huy giá trị và giới thiệu cho công chúng; thoát nước, quản lý nước mưa và nước ngầm dâng bằng cách khôi phục hệ thống thoát nước cũ.
Theo các chuyên gia, những kết quả của tọa đàm sẽ là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long đưa ra các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học phục vụ khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc. Đặc biệt, bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình phát huy giá trị di sản khảo cổ học.