Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, TP: Kết nối tạo nên sức mạnh đoàn kết, sáng tạo

Bài, ảnh: Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, trong những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác đầu tư với các tỉnh, TP trong cả nước.

Không ít lĩnh vực đã đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương cũng như vào thành tựu chung của cả nước.
Xúc tiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Phát huy kết quả trước đó, năm 2019, hoạt động hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, TP được đẩy mạnh với việc lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh, TP đã có chuyến thăm làm việc, phối hợp tổ chức các hội nghị hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Đáng chú ý, trong hoạt động xúc tiến đầu tư, tại tỉnh Ninh Thuận, hiện nay có 69 dự án với tổng vốn đăng ký là 48.320 tỷ đồng của tổ chức, cá nhân từ Hà Nội tham gia đầu tư trên địa bàn. Trong đó, có 13 dự án đi vào hoạt động và 15 dự án đang triển khai.
Lãnh đạo TP Hà Nội trao tặng 20 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng công trình Nhà văn hóa huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn).
Hay như tại tỉnh Bình Phước, đến hết tháng 7/2019, có 37 dự án đầu tư của DN đến từ Hà Nội với tổng vốn đầu tư 34.981 tỷ đồng, chủ yếu là sản xuất điện năng lượng mặt trời, chế biến xi măng, khai thác khoáng sản. Tại tỉnh Quảng Bình, đến nay cũng đã có 6 dự án của nhà đầu tư Hà Nội đang triển khai với tổng số vốn gần 40.400 tỷ đồng.
Đối với ngành công nghiệp không khói - du lịch, kết quả công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và các địa phương giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội cùng 40 tỉnh, TP trong cả nước đã tổ chức 9 ký kết về hợp tác, phát triển du lịch.
Nổi bật, Hà Nội cùng với Quảng Bình đã phối hợp tổ chức thành công chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch “Quảng Bình trong lòng Hà Nội” từ ngày 25 - 27/3/2017 thu hút hơn 15.000 người tham dự. Tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình - Hà Nội năm 2017 với sự tham gia của hơn 200 DN lữ hành hàng đầu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận…
Chia sẻ cả vật chất và tinh thần
Cùng với các hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực, Hà Nội cũng quan tâm, giúp đỡ nhiều tỉnh, TP trong cả nước về mặt vật chất. Chỉ tính riêng trong năm 2011, 2012, TP Hà Nội hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 3 tỷ đồng kinh phí ủng hộ người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Ngoài ra, Hà Nội đã vận động DN ủng hộ 1 tỷ đồng xây dựng Đài tưởng niệm bên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị).
Những năm gần đây, Hà Nội đã trao tặng nhiều phần quà cho học sinh các trường dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh và tặng 10.000 chiếc ghế inox (trị giá 1,3 tỷ đồng) cho nhà văn hóa các xã khó khăn của tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ Nhân dân tỉnh Quảng Bình bị thiên tai, bão lũ với tổng nguồn lực gần 5 tỷ đồng...
Đặc biệt, tại huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) – địa phương có số người từ Hà Nội lên xây dựng vùng kinh tế mới có trên 10.500 người, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm, ủng hộ cả vật chất và tinh thần. Theo đó, năm 2013, Thành ủy Hà Nội đã hỗ trợ trên 4,6 tỷ đồng để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân trên địa bàn. Năm 2019, Thành ủy Hà Nội tiếp tục hỗ trợ huyện 20 tỷ đồng để xây dựng công trình Nhà văn hóa huyện Hữu Lũng với tổng diện tích 1.645m2…
Nhiều dư địa để phát triển
Lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, kết quả hợp tác song phương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, TP trong giai đoạn vừa qua mới chỉ là bước đầu và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Theo đó, lãnh đạo TP Hà Nội thống nhất sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các tỉnh, TP trên cả nước.
Giới thiệu các DN Hà Nội tìm hiểu về tiềm năng, cơ hội đầu tư tại các địa phương. Đồng thời, kết nối du lịch giữa Hà Nội với các địa điểm du lịch của các địa phương trên cả nước. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội và các địa phương tăng cường hợp tác trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, dư địa phát triển tại các tỉnh, TP trên cả nước còn rất lớn. Đây chính là cơ hội để các DN của Thủ đô mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh. Để đạt hiệu quả cao trong hợp tác, trong từng giai đoạn, Hà Nội và các tỉnh cùng nhau lựa chọn một số lĩnh vực trọng điểm để tập trung thực hiện đạt kết quả thiết thực. Đồng thời, cần làm cụ thể, tránh tình trạng chung chung và phải thực hiện đánh giá định kỳ nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc. Có như vậy mới tạo thêm nguồn lực thúc đẩy Hà Nội cùng các tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, việc tổ chức Hội nghị Hợp tác - phát triển với các tỉnh, TP trên cả nước là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Sự kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với các địa phương sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết, cùng sáng tạo, tìm các giải pháp khả thi để phát triển toàn diện. Đồng thời, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương. Điều này sẽ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, liên tục trong 3 năm (từ 2016 - 2018), Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư. Điều này khẳng định vị trí tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Theo đó, tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Hà Nội ký kết 95 dự án đầu tư với các DN trong và ngoài nước. Đến hội nghị năm 2017, các DN đã ký kết với UBND TP Hà Nội 135 dự án trị giá 1.106 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư là 397.335 tỷ đồng.