Hợp tác quản lý chất lượng nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, việc hợp tác trong lĩnh vực quản lý chất lượng (QLCL) nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, TP đã được quan tâm siết chặt.

Nhờ đó, dần dần hình thành các chuỗi khép kín cho nông sản, thực phẩm về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô.

Tạo dựng niềm tin

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, lượng rau, thịt, cá, hoa quả do các tỉnh khác cung cấp cho Hà Nội chiếm từ 30 - 80% tùy mặt hàng. Các sản phẩm này được đưa về Thủ đô bằng nhiều con đường, chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng nên việc QLCL có vai trò rất quan trọng.

Tính đến nay, Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản (NLSVTS) Hà Nội đã ký kết hợp tác với 17 chi cục QLCL NLSVTS các tỉnh, TP khu vực phía Bắc. Trong đó có 10 đơn vị phối hợp triển khai mô hình chuỗi cung cấp nông sản ATTP cho Hà Nội, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Một ví dụ tiêu biểu là hồi cuối năm 2014, sản phẩm cà chua "mạo danh" cà chua an toàn Mộc Châu (Sơn La) đưa vào tiêu thụ tại siêu thị BigGreen (Hà Nội) đã được phát hiện. Ngay sau đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Sơn La làm rõ. Kết quả, đây là sản phẩm bên ngoài trà trộn vào, không phải là sản phẩm trong chuỗi liên kết giữa hai bên.

"Rõ ràng, việc phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin, QLCL đã giúp cho các địa phương cùng giải quyết tốt hơn các sự cố mất ATTP, truy xuất nhanh chóng nguồn gốc và kiểm soát chặt chất lượng nông sản" - ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục QLCL NLSVTS Sơn La chia sẻ.

 
Sản phẩm măng khô Tuyên Quang được giới thiệu tại Hà Nội. 	 Ảnh: Quang Thiện
Sản phẩm măng khô Tuyên Quang được giới thiệu tại Hà Nội. Ảnh: Quang Thiện
Hòa Bình cũng là một trong những địa phương cung cấp một lượng lớn nông sản, thực phẩm sạch cho Hà Nội như rau, quả, chè... Từ năm 2013 đến nay, hai địa phương đã hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Trong đó đặc biệt là các sản phẩm đặc sản như rau su su xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc), rau hữu cơ huyện Lương Sơn, thanh long, bí xanh, chè Shan Tuyết... Kết quả giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, kim loại hơn 100 mẫu rau, măng, quả... của tỉnh Hòa Bình cung cấp trong hai năm (2013 - 2014) đều đảm bảo an toàn.
Năm 2014, Chi cục QLCL NLSVTS Hà Nội đã kiểm tra 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhập về từ các tỉnh, lấy 249 mẫu để kiểm tra chất lượng ATTP. Kết quả, có 11/56 (19,64%) mẫu thịt gà có chỉ tiêu E.coli vượt mức cho phép và 2/88 (2,27%) mẫu rau có hàm lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép.
 

Tăng trách nhiệm

Hiệu quả từ sự hợp tác trong QLCL nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành đã rõ ràng, song thực tế, lượng hàng hóa được kiểm soát còn khá khiêm tốn. Đơn cử, sản phẩm nông lâm thủy sản của Sơn La đưa về Hà Nội rất lớn nhưng chỉ kiểm soát được 20% theo chuỗi, còn lại 80% bán trôi nổi bên ngoài. Thêm vào đó, thông tin về một số cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, thiếu chính xác nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Thông tin hai chiều từ Hà Nội với các tỉnh đôi khi cũng chưa được thường xuyên, liên tục và chưa kịp thời.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, cần thông tin, trao đổi thường xuyên giữa các đơn vị trong ngành nông nghiệp của TP và các tỉnh hàng năm. Qua đó, xác định được số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn để khớp nối với DN cung ứng, chế biến, tiêu thụ.

Đây cũng là căn cứ để các địa phương quy hoạch vùng sản xuất an toàn theo hướng tập trung. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, sản phẩm từ đơn vị nào sản xuất thì Chi cục QLCL NLSVTS nơi đó phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng. Còn sản phẩm tiêu thụ ở địa phương nào thì địa phương đó phải có trách nhiệm giám sát.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục QLCL NLSVTS (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục duy trì tốt kênh thông tin cho các tỉnh về nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời phối hợp kiểm tra, lấy mẫu, kịp thời trao đổi thông tin, xử lý sai phạm về chất lượng ATTP nông sản. Ở một góc độ khác, các tỉnh, TP cần duy trì tần suất giám sát, kiểm tra đảm bảo khâu sản xuất, chế biến từ ban đầu ở địa phương. Như vậy mới hình thành được chuỗi khép kín cho nông sản về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô.