HoREA đề nghị không thu hồi đất khi còn 20% người dân không đồng ý

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý một số nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, HoREA đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất đối với “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”.

Về quy định Nhà nước thu hồi đất đối với “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý” (tại khoản 5 Điều 70 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội, còn 20% chưa đồng ý mà áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất, như vậy là không được. Dân sự là dân sự, hành chính là hành chính, không thể cộng vào để thu hồi đất. Quy định như vậy là chung chung, không đúng chủ trương của Trung ương.

“Cần bỏ quy định này và nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục thực hiện phương thức tự thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại để tạo lập quỹ đất đầu tư, do nhà đầu tư đã tự nguyện lựa chọn phương thức này. Bởi quy định “80% người dân đồng ý” là chưa chặt chẽ, vì có thể “80% người dân đồng ý” chỉ chiếm phần nhỏ diện tích dự án, trong lúc “20% người dân không đồng ý” có thể chiếm tỷ lệ diện tích lớn hơn” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích và nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để gỡ khó các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 80% người dân và 80% diện tích đất dự án trở lên, nhưng không thể thỏa thuận để nhận chuyển nhượng phần diện tích đất còn lại dẫn đến việc giải phóng mặt bằng dở dang.

HoREA đề nghị bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi. Thay vào đó, việc thu hồi đất thực hiện dự án doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Ảnh minh hoạ
HoREA đề nghị bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án được trên 80% người dân có đất thu hồi. Thay vào đó, việc thu hồi đất thực hiện dự án doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Ảnh minh hoạ

Vì vậy, HoREA đề nghị xem xét thực hiện một trong 2 giải pháp để xử lý: Giải pháp 1: Nhà nước xem xét cho phép nhà đầu tư được điều chỉnh ranh đất dự án trong phạm vi phần đất đã giải phóng mặt bằng và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Giải pháp 2: Trong trường hợp không thực hiện được giải pháp 1 thì đề nghị Nhà nước thực hiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với “dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn”, đặc biệt là thực hiện phương thức “góp vốn bằng quyền sử dụng đất” quy định tại Điều 68 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc phương thức người sử dụng đất “góp quyền sử dụng đất” quy định tại khoản 4 Điều 169 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong trường hợp này thì tổ chức kinh tế đã có quyền sử dụng đất cũng phải chấp hành, thực hiện quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương tự như người sử dụng đất khác trong khu vực dự án. Tổ chức kinh tế đã có quyền sử dụng đất có quyền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án tái điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và đô thị, khu dân cư nông thôn.

Theo HoREA, cách làm này vừa xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; vừa tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, bởi lẽ “100% chênh lệch địa tô” sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng thì sẽ được người có đất bị thu hồi dễ “đồng thuận” vì không còn xảy ra tình trạng phần lớn “chênh lệch địa tô rơi vào túi tư nhân” như cách làm trong những năm trước đây. 

Thực hiện cách làm này sau một quá trình 5-10 năm thì phương thức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư sẽ trở thành phương thức chủ yếu để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư dự án như định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 77 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, có yêu cầu “việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý nhận tiền bồi thường để tự lo chỗ ở hoặc người có đất bị thu hồi đồng ý” theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.  

Mới đây, có ý kiến đề nghị Nhà nước không thu hồi đất tràn lan, bao gồm dự án nhà ở thương mại. Hiệp hội nhận thấy, điểm c khoản 2 Điều 70 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, nhà ở thương mại” là cần thiết để tạo lập quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Nhưng bên cạnh đó, Điều 68 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có “thiếu sót” do không cho phép tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại nên không phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đối với trường hợp nhà đầu tư được tự thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án là “quan hệ dân sự” theo quy định của pháp luật về dân sự.

Trong đó, trường hợp nhà đầu tư đã lựa chọn thực hiện phương thức tự thỏa thuận với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo nguyên tắc “tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” của pháp luật dân sự thì cần phải thực hiện xuyên suốt phương thức này để tạo lập quỹ đất dự án đầu tư, nên không thể “nửa chừng” lại thay đổi sang phương thức “Nhà nước thu hồi đất” đối với 20% diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân, để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, bình đẳng đối với tất cả người sử dụng đất trong dự án.