KTĐT - Khi cảm xúc tình yêu thăng hoa, có một chất bỗng trở nên dồi dào trong cơ thể bạn: oxytoxin. Nhưng bạn có biết loại hormone tình yêu này có thể gây cảm giác thù hận?
Nhân ngày 14/2, ngày Lễ tình yêu, chúng ta hãy cùng khám phá những điều chưa biết mà các nhà khoa học vừa phát hiện về hormon tình yêu, loại hormon chi phối cảm xúc thăng hoa diệu kỳ nhất mà tạo hóa ban tặng loài người.
Hormon tình yêu gây thù hận
Oxytocin thường được gọi là hormon tình yêu. Nó phát sinh trong cơ thể khi con người trải nghiệm những tình cảm rung động giữa con người và con người. Tuy nhiên, cách đây không lâu, một số nhà khoa học đã xác định rằng chất oxytocin có thể gây ra tác dụng ngược lại. Đối với những người đặc biệt đa nghi, hormon đó kích động và gây ra những cơn thù hận hoặc hung hãn khủng khiếp.
Oxytocin được phát sinh tại não bộ, tích tụ trong tuyến yên và từ đó xâm nhập vào máu. Ở cấp độ sinh lý, chất này chỉ tác động trên cơ thể phụ nữ, nhưng nó có thể gây hiệu ứng tâm thần đối với cả hai giới. Nghiên cứu cho thấy rằng oxytocin làm tăng "cảm tình" với những người xung quanh. Hormon này cũng tham gia vào việc thiết lập các liên kết tâm lý giữa người mẹ và em bé ngay sau khi sinh và việc thiếu nó sẽ dẫn đến chứng tự kỷ. Các nhà khoa học thậm chí còn phát minh ra loại thuốc xịt mũi dựa trên cơ sở oxytocin, được sử dụng để điều trị các rối loạn tự kỷ và nỗi ám ảnh xã hội.
Các nhà khoa học của Đại học y Mount Sinai ở New York, Mỹ, tiến hành một thử nghiệm với sự tham gia của 14 bệnh nhân có biểu hiện tâm thần ngoại vi khác nhau và 13 tình nguyện viên hoàn toàn khỏe mạnh. Các triệu chứng của rối loạn nhân cách ngoại vi gồm thiếu tự tin trong giao tiếp, lo sợ bị cô đơn và liên tục cần được đối tác xác nhận tình cảm.
Các đối tượng thí nghiệm cùng tham gia một trò chơi máy tính đặc biệt. Tại mỗi vòng trong ba giai đoạn, người tham gia phải đoán hành vi của đối tác: liệu anh ta có đồng ý làm việc cùng nhau để kiếm được 6 USD, hoặc ra khỏi trò chơi để nhận được 4 USD hay không. Nếu nghi ngờ đối tác có ý định xấu, người chơi có thể rời khỏi game. Các thử nghiệm cho thấy sau khi hít oxytocin, thành viên trong nhóm có rối loạn nhân cách ngoại vi thường rời bỏ trò chơi. Hormon tình yêu tăng cường tính hoài nghi của họ, và tước nốt niềm tin còn sót lại. Các tình nguyện viên khỏe mạnh đã phản ứng với oxytocin theo cách ngược lại.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga lại nghi ngờ về hiệu ứng "thù địch" của oxytocin. Nhà nghiên cứu Tatiana Gorobets cho rằng, thí nghiệm trên chưa đủ để đưa ra kết luận: “Cho đến nay khoa học Nga chưa biết đến các nghiên cứu như vậy. Chúng tôi chỉ có thể nói về những tác động tích cực của oxytocin là cải thiện tình trạng tâm lý. Những gì mà các học giả nước ngoài trình bày như là một phát hiện vẫn chưa được xác nhận. Nếu có sự thù địch xuất hiện do oxytocin gây ra thì khoa học y học của chúng tôi nhất định đã ghi nhận, bởi vì nội tiết tố này được sử dụng rộng rãi trong thực tiễn y tế, và chắc chắn tác dụng phụ này phải được ghi nhận từ lâu rồi”.
Các nhà khoa học Mỹ đang chuẩn bị cho các thí nghiệm mới với việc sử dụng oxytocin. Nhưng họ khẳng định không nên coi oxytocin là hormon tình yêu và cảnh báo rằng các loại thuốc dựa trên oxytocin nên được sử dụng thận trọng để điều trị các rối loạn tâm thần.
Không thể đắm say mãi mãi
Những ai trải nghiệm với cảm giác hạnh phúc mà tình yêu mang lại đều mong ước được sống mãi trong cảm giác bồng bềnh choáng váng ấy. Thật đáng tiếc, điều này lại đi ngược lại các quy luật nền tảng của ngành hóa sinh. Nhiều nhất là một năm và thường sớm hơn, bộ não sẽ tự động có cách thoát khỏi trạng thái bồng bềnh do tình yêu gây ra. Nguyên nhân là do trung tâm nhận “phần thưởng” trong não bộ đã quen dần với các kích thích, khiến nó không còn cảm xúc với những gì là cuồng nhiệt và sự choáng ngợp ban đầu sẽ không xuất hiện nữa. Người trong cuộc luôn luôn đổ lỗi cho “đối tác” hay cho muôn vàn lý do khác. Một số người tìm kiếm “đối tác” mới với hy vọng cảm xúc ban đầu sẽ là mãi mãi.
Mỗi một lần chuỗi “phản ứng tình yêu” xảy ra là một lần toàn bộ các phân tử bé nhỏ tập hợp lại làm cơ thể phải gồng lên gánh chịu năng lượng bộc phát dữ dội. Tình trạng này có thể hiểu nôm na tương tự như một sợi dây đàn hồi đang ở trạng thái bình thường bị kéo giãn ra hết mức. Mặt khác, sự lạm dụng “phản ứng tình yêu” dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên hơn của hiện tượng ôxy hóa các tế bào trong quá trình trao đổi chất, tạo tiền đề cho quá trình lão hóa. Đây là điều không tránh khỏi, nó vượt ra ngoài ý muốn cũng như tầm kiểm soát của con người.