Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hungary cảnh báo kinh tế EU sẽ “tê liệt” do lệnh trừng phạt Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover cảnh báo các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga là "sai lầm mang tính cốt lõi" và có thể làm kinh tế khối này “tê liệt”.

Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover phát biểu tại một cuộc họp hôm 20/5/2022 . Ảnh: AFP
Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover phát biểu tại một cuộc họp hôm 20/5/2022 . Ảnh: AFP

Theo hãng tin RT, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover vừa chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU đối với Nga, nói rằng đây là hành động sai trái và cảnh báo nền kinh tế của khối sẽ bị tàn phá.

Phát biểu tại thị trấn Bugac của Hungary cuối tuần trước, ông Kover đã chỉ trích quyết định của EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn đối với Nga trong khi vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của nước này.

“Các lệnh trừng phạt - được áp đặt trong bảy vòng liên tiếp kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 - là một sai lầm mang tính cốt lõi và sẽ dẫn đến việc hủy hoại nền kinh tế châu Âu”.

Ông Kover, nhân vật lâu nay chỉ trích EU, lưu ý rằng thành công của Hungary phụ thuộc vào sự hợp tác với cả phương Đông và phương Tây.

Theo ông Kover, lịch sử và địa lý của Hungary đã khiến đất nước này trở thành “cầu nối” giữa Đông và Tây. “Khi phương Đông và phương Tây đối đầu nhau, điều đó chỉ mang lại sự suy yếu. Nhưng nếu họ hợp tác, điều đó đã giúp cho Hungary có cơ hội vươn lên” - Chủ tịch Quốc hội Hungary nhấn mạnh.

Ông Kover là thành viên của đảng Fidesz – đảng của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Trước đó, ông Orban cũng bày tỏ quan điểm tương tự về chính sách trừng phạt của Brussels đối với Moscow.

Trong bài phát biểu hồi đầu tháng này, Thủ tướng Orban khẳng định Hungary sẽ nỗ lực để "ngăn chặn" các biện pháp gia tăng áp lực của EU đối với Nga nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến nước này. Lập trường này đã khiến Hungary trở thành một nước thành viên ngoại lệ trong EU.

EU, khu vực phụ thuộc khoảng 40% nguồn cung khí đốt và 1/3 dầu mỏ từ Nga, đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng cao và lạm phát cao kỷ lục. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2,EU đã áp đặt lệnh cấm một phần đối với dầu mỏ của Nga và tuyên bố giảm dần nhập khẩu khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, Hungary đã yêu cầu được EU miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ, đồng thời đàm phán với Moscow để tăng cường mua khí đốt từ Nga.