KTĐT - Theo các hãng tin nước ngoài, văn bản pháp lý sửa đổi trên được thông qua chủ yếu nhờ sự ủng hộ của đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban, chiếm đa số 2/3 tại Quốc hội Hungary.
Với 262 phiếu ủng hộ, 44 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Quốc hội Hungary ngày 18/4 đã thông qua Hiến pháp, mới bất chấp sự tẩy chay của đảng Xã hội đối lập và đảng Xanh LMP theo đường lối cánh tả.
Theo các hãng tin nước ngoài, văn bản pháp lý sửa đổi trên được thông qua chủ yếu nhờ sự ủng hộ của đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban, chiếm đa số 2/3 tại Quốc hội Hungary.
Hiến pháp mới cho phép chính phủ trao quyền bỏ phiếu cho người Hungary sống ở nước ngoài, hạn chế quyền hạn của Tòa án tối cao đối với các vấn đề liên quan ngân sách, và trao quyền cho Tổng thống giải tán Quốc hội nếu cơ quan này không thông qua dự thảo ngân sách do chính phủ đệ trình, trong tháng Tư hàng năm.
Bên cạnh đó, các quyết định liên quan đến lương hưu, quy định về thuế và luật quản lý ngân hàng chỉ được áp dụng khi được đa số 2/3 trong Quốc hội ủng hộ. Điều này đồng nghĩa các chính phủ sau này khó có thể hủy bỏ các cải cách của Fidesz.
Văn bản mới cũng yêu cầu chính phủ phải đảm bảo một lượng dư ngân sách trong trường hợp nợ công vượt quá 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)...
Các nhà phân tích cho rằng việc Fidesz tìm cách đẩy nhanh tiến trình thông qua văn kiện được công bố hồi tháng trước này, bất chấp sự phản đối của một số đảng phái tại quốc hội và một bộ phận dân chúng là để củng cố quyền lực của mình.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người Hungary đã biểu tình gần tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Budapest để phản đối đảng Fidesz cầm quyền sửa đổi Hiến pháp.
Ủy ban Venice, Cơ quan tư vấn về luật pháp của Liên minh châu Âu cảnh báo việc thông qua Hiến pháp mới một cách nhanh chóng có thể gây bất ổn cho Hungary. Tuy nhiên, Đảng Fedesz khẳng định Hiến pháp mới đảm bảo tiến trình dân chủ ở Hungary.
Dự kiến, Tổng thống Pal Schmitt sẽ ký thông qua văn kiện này vào 25/4 trước khi hiến pháp mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012./.