Hương chuối thơm đầu ngõ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi thường gặp người phụ nữ ấy vào sáng thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Chị thồ hai sọt chuối bằng chiếc xe đạp đã tróc hết sơn và thường đứng bán trong ngõ gần nhà tôi.

Chị bán chắc giá, không rẻ cũng không đắt. Được cái chuối của chị đều quả, nải xanh có, nải chín có, nhưng đa phần là chuối chín. Những nải chuối của chị sẽ rất hoàn hảo nếu mã đẹp và sáng hơn. Vì lý do này mà nhiều bà nội trợ, trong đó có tôi, thường tỏ ý phàn nàn khi mua về thắp hương, hoặc đi lễ. Chị giải thích rằng, giấm bằng hương, không giấm bằng đất đèn hoặc thuốc, nên quả chuối hơi xỉn màu, nhưng đặc biệt, để vài hôm cũng không bị hỏng, ruột chắc, vỏ mỏng, vị thơm ngọt.
Hương chuối thơm đầu ngõ - Ảnh 1
Tình cờ lên Facebook, thấy ảnh vợ chồng cô bạn đi du lịch châu Âu, bạn khoe thèm chuối quá vào siêu thị mua 2 quả mất 3 hay 5 Euro gì đó, xót hết cả ruột mà không ngon như chuối ở mình. Lướt thêm một chút lại có thông tin ăn chuối tăng cường trí thông minh, rồi lời khuyên mỗi ngày nên ăn ít nhất 2 quả, rồi kể chuyện đâu như ở Hàn Quốc, học sinh giỏi đi thi đấu ở nước ngoài phải mang chuối sấy theo vì chuối tươi quá đắt… Bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn về chuối.

Về nhà, tôi ép lũ nhỏ ăn thêm chuối, hứa hẹn sẽ thưởng cái này cái kia, đến thứ Bảy, Chủ nhật lại le te ra ngõ ngóng xe chuối của chị. Tôi ngóng chuối của chị cũng còn một lý do nữa. Chị làm tôi nhớ đến bà ngoại. Thời bà còn sống, gia đình khó khăn. Ngoài vườn có buồng chuối nào già, bà cho cắt đem vào để ở hiên chờ ráo nhựa. Vài ngày sau, bà ra nải. Từng nải chuối được bày ra hiên, không có nải nào bị dao cứa phải, không có nải nào bị dây nhựa. Khi giấm chuối, bà cũng khẽ khàng và chu đáo như đang thực hiện một nghi lễ. Bà cấm không cho đứa cháu nào vào buồng, cũng không được hé mắt nhìn vì bà sợ “phải vía”, chuối không chín được.

Vài hôm sau, chuối chín, bà mở chum, nhẹ nhàng ẵm ra từng nải. Những nải chuối vàng hươm, tỏa mùi thơm dìu dịu của xạ hương, của trái cây vừa chín. Nếu gần đến ngày rằm Mùng một, bà sẽ để một nải lên ban thờ, còn lại bà đem ra chợ bán, không quên phần cho lũ cháu háu ăn nải chuối gót, tức là nải cuối cùng của buồng chuối, luôn bé nhất, còi nhất và ít quả nhất.

Sau ngày bà mất, mảnh vườn được bác tôi nhượng lại cho người khác. Con cháu lớn khôn mỗi người mỗi ngả, có gia đình riêng, có thu nhập ổn định và chẳng khó khăn gì khi mua một lúc vài nải chuối. Tôi thầm cảm ơn người phụ nữ bán chuối, bởi thức quà thơm ngọt của chị khiến tôi có cảm giác thật an tâm, không còn phải nghi ngờ về bao chất hóa học đang tồn tại như một hiểm họa trong thức ăn đồ uống hàng ngày. Cầm quả chuối trên tay, tôi lại nao nao nhớ đến bà. Nếu bà còn sống, tôi sẽ hỏi kinh nghiệm của bà rồi mách nhỏ cho người phụ nữ kia, để từng nải chuối của chị giấm hương sẽ vàng hơn, sáng hơn, được giá hơn khi bán.

Sau Tết Nguyên đán không thấy người phụ nữ đến ngõ nhà tôi bán chuối. Bẵng đi mấy tháng sau, tôi mới gặp chị. Vẫn chiếc xe đạp đã bong tróc hết sơn, nhưng hai bên xe không phải là hai sọt chuối mà là hai sọt dứa. Tôi mua dứa cho chị, hỏi chị không có chuối bán à. Chị cười hiền bảo nhiều người cũng hỏi chị như em, chuối còn non lắm, một hai tháng nữa mới vào lứa. Rồi chị chép miệng, rằng chị đang tính dẹp bớt để trồng cây khác, vì trồng chuối không ăn thua. Tôi hỏi chị định trồng cây gì, chị trả lời chưa biết. Tôi chào chị ra về mà lòng bâng khuâng như tiếc nuối. Biết đâu tôi không bao giờ còn được mua những nải chuối thơm tho do chính người đàn bà mộc mạc ấy làm ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần