Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đến “Thành phố sáng tạo”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 16/7, tròn 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Hai thập kỷ qua, Hà Nội đã và đang không ngừng xây dựng, phát triển để phát huy giá trị danh hiệu này. Đồng thời, chuẩn bị cho một bước tiến mới để Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”.
Bước tiến dài trên con đường phát triển
20 năm sau ngày được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, song song với hình ảnh một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, thân thiện, có nền văn hiến lâu đời và nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển, Hà Nội hôm nay đã và đang khoác lên mình diện mạo mới với những bước tiến dài, đổi thay ngoạn mục.
Hà Nội với vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc, trong 10 năm gần đây, đã đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7,41%/năm. Nếu tổng vốn đầu tư xã hội năm 1999 là 13,326 nghìn tỷ đồng, thì năm 2018 là 337,4 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt hơn 7,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2019 dự kiến đạt trên 5 tỷ USD, đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập.
 Các đoàn tham gia Lễ hội đường phố ''Trái tim hòa bình''.Ảnh: Thanh Hải
TP cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những lý do để Hà Nội trở thành TP có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Cùng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", hiện Hà Nội thực sự đã trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng; là nơi diễn ra nhiều hội nghị cấp quốc tế lớn…
Cùng với phát triển kinh tế, dù vẫn đang đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa nhưng Hà Nội vẫn đang ưu tiên nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hàng loạt công trình, các tòa cao ốc, những khu đô thị mới hình thành đã cho thấy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội của TP.
Bên cạnh đó, TP đã khởi công xây mới 6 công viên hiện đại, duy tu hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bổ sung cây xanh tạo cảnh quan đồng bộ ở các tuyến đường chính, tuyến văn minh thương mại, cửa ngõ Thủ đô. Chương trình 1 triệu cây xanh về đích trước 2 năm không chỉ tạo cảnh quan đô thị mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng không khí trong TP... Đồng thời, TP sẽ tiếp tục trồng thêm 600.000 cây trong hai năm 2019 - 2020.
Một trong những tiêu chí xây dựng “Thành phố vì hòa bình” mà Hà Nội đã đáp ứng được là giữ gìn môi trường sống. Do đó, suốt thời gian qua, TP luôn nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường sống nói chung và vệ sinh môi trường nói riêng.
TP đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều đề án bảo vệ môi trường đã được triển khai, đặc biệt, từ tháng 12/2016, TP đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và 6 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động…
Nền tảng xây dựng “Thành phố sáng tạo”
Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, tạo ra một hình ảnh nhận diện mới, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho Việt Nam. Hà Nội đang vươn lên là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực.
Phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đang triển khai xây dựng Thủ đô trở thành “Thành phố sáng tạo” đầu tiên của khu vực Đông Nam Á, tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Đây được xem là bước tiến mới trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá thương hiệu của Thủ đô.

Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh…

Theo nhận định của các chuyên gia, không phải TP nào cũng có thể trở thành “Thành phố sáng tạo” nhưng Hà Nội có nền tảng cho việc này. Hà Nội có truyền thống văn hiến lâu đời, trung tâm văn hóa lớn của cả nước, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa; có 1.350 làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ… là nền tảng, cảm hứng cho sự phát triển công nghiệp sáng tạo.
TP đã tận dụng những giá trị văn hóa để phát triển du lịch; từng bước hình thành thói quen tiêu dùng mới, gắn với văn hóa. Hà Nội cũng là nơi có những không gian sáng tạo, tạo cơ hội cho những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo phát huy khả năng. Việc tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo” sẽ có lợi cho sự phát triển và khi đó Hà Nội sẽ là một TP kiểu mẫu cả trong nước và khu vực.
Tuy nhiên, từ tiềm năng đến thực tế vẫn còn những khoảng cách. Hà Nội đã có những không gian sáng tạo nhưng ở mức độ nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhân tài đam mê sáng tạo văn hóa và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại…
Do đó, cùng với việc xây dựng hồ sơ, TP cũng đang tiếp tục chú trọng vào phát huy các tiềm năng, lợi thế; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Hà Nội phát huy được sức mạnh nội tại. Đồng thời, tập trung hướng tới 3 chủ thể như: Tái tạo đô thị, giáo dục toàn diện và tổ chức các sự kiện… để trở thành “Thành phố sáng tạo” thực sự.