Năm 2010, HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì được Bộ NN&PTNT chọn là mô hình thí điểm sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP nhãn xanh (hệ thống tiêu chuẩn VietGAP có sự hỗ trợ kiểm soát chất lượng của Canada) với diện tích 3ha. Sau hai năm triển khai, đến ngày 9/1/2013, 5 loại rau an toàn của Yên Mỹ là ngọn bí, súp lơ, su hào, cải bắp và cà chua chính thức được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nhãn xanh.
Chăm sóc rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Ảnh: Quang Thiện
Ông Trần Đức Vinh, Chủ nhiệm HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì cho biết, tham gia dự án, người nông dân đã biết ghi chép thông tin sản xuất hàng ngày, đặc biệt được hỗ trợ gắn kết với các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Hiện, đã có 4 cửa hàng tiêu thụ và 4 công ty trên địa bàn Hà Nội đã liên hệ đặt mua sản phẩm rau VietGAP của HTX Yên Mỹ với sản lượng trên 1 tấn/ngày. Thu nhập của người nông dân đạt 10 - 12 triệu đồng/sào/vụ, tăng 15 - 20% so với trước.
Cùng với HTX Yên Mỹ, trong 4 năm qua, Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm do Cơ quan phát triển quốc tế Canada tài trợ còn triển khai được 11 mô hình chuỗi sản xuất, phân phối ngành hàng rau, trái cây an toàn ở Thanh Hóa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, Tiền Giang và 11 mô hình lợn an toàn ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An. Điều đáng ghi nhận nhất là dự án đã kết nối được các doanh nghiệp tham gia phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Đơn cử như tại Hà Nội, Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội (sanbanbuon.vn) hiện đang hỗ trợ giao dịch cho 30 HTX sản xuất rau, quả, chè an toàn với 300 điểm phân phối rau, quả thực phẩm an toàn tới khu dân cư. Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc sanbanbuon.vn cho biết, tham gia giao dịch, người tiêu dùng mua được nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lí. Với người sản xuất, bán được sản phẩm theo lô lớn, bảo vệ được thương hiệu của nông sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định, kiểm soát theo chuỗi là giải pháp hữu hiệu, bền vững để đảm bảo chất lượng thực phẩm. Trong đó, việc liên kết giữa sản xuất với phân phối để tạo đầu ra cho sản phẩm an toàn là một hướng đi đúng và toàn diện, tạo điều kiện cho người sản xuất và tiêu thụ cùng nhau chia sẻ lợi ích. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy nhân rộng các mô hình liên kết này để hỗ trợ tốt hơn nữa cho người sản xuất nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả canh tác và chất lượng cuộc sống cho người nông dân.