Hướng đi mới cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL 

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ÐBSCL.

Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022, trong đó quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ (Trung tâm). 

Dự kiến vị trí quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ
Dự kiến vị trí quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc hình thành Trung tâm tại TP Cần Thơ với mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ", có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông - nhà sản xuất - doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, Trung tâm sẽ tập hợp các nguồn lực có khả năng tham gia giải quyết những bài toán lớn của vùng như chuyển đổi cơ cấu kinh tế; vấn đề logistics hậu cần; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; sự đóng góp quan trọng vào việc tạo ra thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là cực kết nối giữa các tỉnh vùng ÐBSCL, kết nối với các nước tiểu vùng sông Mekong, đây là một hướng đi mới cho TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ (Trung tâm).

Hướng đi mới cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL  - Ảnh 1

Theo đó, quy mô của Trung tâm dự kiến có 2 khu. Trong đó, Khu 1 có diện tích khoảng 50ha tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy; khu 2 có diện tích dự kiến 200ha, tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ. 

Theo Đề án, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm được thực hiện như sau: Năm 2022, lập Đề án thành lập Trung tâm, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành nghề có liên quan và các địa phương trong vùng.

Năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm; tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển Trung tâm giai đoạn 1, Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1:2000. Năm 2023-2024, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư (khoảng 30/50 ha Khu 1 và khoảng 100/200 ha Khu 2) và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng vào hoạt động trên cơ sở các chức năng phân khu đã xác định theo quy hoạch 1:2000.

Năm 2025, hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước... để đưa Trung tâm vào hoạt động một cách toàn diện. Năm 2026 là giai đoạn quyết liệt nhất, vừa là năm then chốt để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm, cùng hiệu quả của Chính sách đặc thù đối với thành phố. Năm 2027, tiếp tục phát huy những giá trị đạt được từ năm 2026 để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chuẩn bị cho thời kỳ tiếp theo sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động toàn bộ Trung tâm cũng như Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ cho rằng: Khi Trung tâm hình thành và đi vào hoạt động sẽ tạo tính lan tỏa về cả kinh tế lẫn xã hội. Trong đó, về kinh tế, dự kiến Trung tâm thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỉ đồng và hơn 9.000 tỉ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Cùng với đó, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ÐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản.