Miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh
Hướng tới chất lượng giáo dục toàn diện
Kinhtedothi - Hà Nội nên xem xét, miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh công lập để vừa phát triển thể trạng cho học sinh, vừa giảm áp lực đưa đón cho phụ huynh là gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội mới đây. Ý kiến này được đánh giá là chính sách hợp lòng dân và tạo được sự đồng thuận của dư luận, cử tri cả nước.
Chính sách nhân văn và toàn diện
Tại buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (sáng 17/4), Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hà Nội quan tâm chất lượng dạy và học, chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ em Thủ đô, trong đó có việc xem xét miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh. Theo tính toán, Hà Nội hiện có 1,2 - 1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và THCS, mỗi bữa ăn miễn phí khoảng 30.000 đồng. Thu ngân sách của TP trong quý I/2025 khoảng 250.000 tỷ đồng, như vậy hoàn toàn có thể thực hiện được chính sách nhân văn trên.
Bữa ăn trưa của học sinh trường Tiểu học Đại Thịnh A, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Bí thư cũng đề nghị TP Hà Nội nghiên cứu để triển khai chính sách này ngay từ năm học 2025 - 2026, cùng thời điểm thực hiện miễn học phí cho học sinh. Theo Tổng Bí thư, ý kiến trên là để gợi ý. Hà Nội cần tính toán việc này và nếu thực hiện được, các địa phương còn lại có thể xem xét để nhân rộng ra toàn quốc. Thông tin về đề xuất của Tổng Bí thư Tô Lâm nhanh chóng lan rộng đến Nhân dân và cử tri cả nước; trong đó có các nhà trường, giáo viên, phụ huynh.
Chia sẻ về gợi mở trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, cùng chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 5 tuổi, miễn học phí cho học sinh phổ thông, đề xuất 100% học sinh học 2 buổi/ngày, việc miễn phí bữa ăn trưa cho học sinh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và người được hưởng lợi chính là học sinh, phụ huynh. Học sinh đến trường được ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh về thể chất, tốt về tinh thần, từ đó có thể tập trung học hành cả ngày. Phụ huynh cũng sẽ yên tâm khi cho con tới trường học tập.
Trích dẫn
Bên cạnh đề xuất miễn phí bữa ăn trưa, cần giảm tải áp lực học tập cho học sinh, tạo điều kiện để các em có thêm thời gian vui chơi, giải trí và khám phá các môn học khác; có thể buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học tiếng Anh hoặc các môn năng khiếu. Mỗi học sinh tốt nghiệp phổ thông cần biết chơi một loại nhạc cụ. Các em có thể thổi sáo, đánh đàn, kéo violon, tùy theo năng khiếu…
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng bày tỏ: miễn bữa trưa cho học sinh là chủ trương nhân văn, cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nếu chính sách này được thực hiện, phụ huynh sẽ hoàn toàn yên tâm khi con em được chăm sóc, học tập, ăn uống và nghỉ ngơi ngay tại trường.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Thị Như Hoa thông tin, toàn trường có 670 học sinh nhưng chỉ 60 cháu đăng ký ăn bán trú. Số còn lại bố mẹ, ông bà trưa đón về ăn uống, ngủ nghỉ, chiều lại đưa đến lớp học. “Theo quy định, trường đang thu ăn bán trú với giá 23.000 đồng/bữa. Nhiều gia đình mong muốn con, cháu được ăn bán trú tại trường nhưng không có điều kiện nên vẫn ngày 4 vòng đưa đón. Nghe Tổng Bí thư đề xuất miễn bữa ăn trưa, nhiều phụ huynh rất mừng vì không phải vất vả, lo lắng chuyện đưa đón cũng như kinh phí đóng tiền ăn trưa cho con” - bà Hoa chia sẻ.
Sớm có lộ trình cụ thể
Các chuyên gia giáo dục, thầy cô, nhà trường, dư luận xã hội đều đồng tình với chính sách miễn bữa ăn trưa cho học sinh và cho rằng, bữa ăn miễn phí sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: giúp các em phát triển về thể chất, giảm áp lực vật chất, tinh thần cho phụ huynh, nhất là với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này rất cần lộ trình cụ thể; trong đó có việc tính toán về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên phục vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bữa ăn cho học sinh.
Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình cho rằng, chính sách này rất nhân văn nhưng cần kinh phí lớn để thực hiện. Nếu triển khai được đồng loạt trên địa bàn toàn TP thì tốt; nếu không, trước mắt cần ưu tiên triển khai trước ở các địa bàn khó khăn hoặc với các trường chưa có điều kiện bán trú.
“Hiện cơ sở vật chất của trường chưa đủ cho việc tổ chức bếp ăn bán trú cho 100% học sinh của trường. Nếu quyết tâm triển khai, điều kiện tiên quyết là trường cần được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị bếp ăn đạt chuẩn, nhân sự tổ chức nấu ăn, chăm sóc học sinh… Nhà trường rất mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để có thể từng bước nâng cấp, mở rộng quy mô bán trú, hướng tới việc bảo đảm bữa ăn cho toàn bộ học sinh trong ngày học 2 buổi” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Hòa A (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thế Thắng bày tỏ quan điểm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thanh B Nguyễn Thị Như Hoa cho biết, nếu tổ chức miễn phí bữa trưa, dự đoán số lượng học sinh của trường ăn bán trú sẽ xấp xỉ 100%. Nhà trường không lo ngại về việc tổ chức bếp ăn bán trú bởi các công ty cung cấp suất ăn sau khi ký kết sẽ đến trường hỗ trợ. Vấn đề trường quan tâm là chỗ ngủ và chăm sóc bán trú cho học sinh.
“Hiện trường mới đóng bổ sung mặt bàn gấp cho học sinh khối 1; các khối 2, 3, 4, 5 vẫn là mặt bàn đơn. Nếu số lượng học sinh ăn bán trú tăng thì số lượng ngủ bán trú cũng tăng theo. Nhà trường mong sớm có kế hoạch cụ thể; nếu thực thi chính sách miễn ăn trưa, nhà trường sẽ liên hệ đóng thêm mặt bàn gấp cho học sinh các khối còn lại để học sinh có chỗ ngủ trưa” - nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa nói.
Liên quan đến vấn đề này, vẫn còn một số băn khoăn như bữa ăn thì được miễn phí nhưng tiền chăm sóc bán trú thì thế nào? Theo Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND TP Hà Nội, tiền chăm sóc bán trú đang thu tối đa 235.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy vậy, với những gia đình khó khăn, không có điều kiện đóng tiền chăm sóc bán trú thì sẽ giải quyết ra sao, các em có được miễn phí khoản này không? Nếu miễn phí cho học sinh, kinh phí chi trả cho giáo viên, nhân viên chăm sóc bán trú sẽ lấy ở nguồn nào?
Thực tế, nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng chính sách bữa ăn học đường như một phần trong hệ thống an sinh giáo dục. Các chuyên gia nhìn nhận, việc miễn phí bữa trưa khẳng định quyết tâm hướng tới một nền giáo dục toàn diện của Đảng, Nhà nước, mà Hà Nội là địa phương đi đầu. Đây cũng là ước mong của đông đảo phụ huynh, Nhân dân cả nước nhưng khi áp dụng thực tế vẫn rất cần tính toán kỹ lưỡng, thỏa đáng, bảo đảm sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Cùng với đó, để chính sách đi vào cuộc sống, rất cần sự cam kết về nguồn lực và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành để bảo đảm thống nhất, thông suốt trong cả quá trình thực hiện, từ đó mang đến niềm vui, niềm tin trọn vẹn cho mọi nhà và mọi học sinh.
Trích dẫn
Miễn phí bữa trưa cho học sinh là một chính sách hợp lòng dân, hợp xu thế phát triển giáo dục hiện đại. Nếu thực hiện hiệu quả, chính sách này không chỉ cải thiện thể trạng học sinh, mà còn góp phần thay đổi văn hóa giáo dục - coi học sinh là trung tâm của mọi hoạt động nhà trường.

Thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non
Kinhtedothi – Ngày 23/4, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có Công văn số 2444/UBQGVTE gửi Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Giáo dục luật giao thông cho học sinh là đầu tư cho tương lai
Kinhtedothi - Phòng CSGT Hà Nội kỳ vọng, sau mỗi buổi học ngoại khoá về luật giao thông tại nhà trường, từng học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên tích cực, chia sẻ kiến thức đến gia đình và cộng đồng. Từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông học đường an toàn, văn minh.

Thông báo về tiếp nhận hồ sơ đối với các cơ sở có nhu cầu cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, căng tin cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Đống Đa năm học 2025 - 2026
Kinhtedothi - UBND quận Đống Đa thông báo về tiếp nhận hồ sơ đối với các cơ sở có nhu cầu cung cấp thực phẩm, suất ăn sẵn, căng tin cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Đống Đa năm học 2025-2026: