Ngày 23/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án Phát triển bền vững chuyên canh 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án).
Các địa phương, đơn vị cùng vào cuộc
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè khẳng định, Đề án là chương trình lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến ngành lúa gạo được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế.
Cũng bởi ý nghĩa nêu trên, Cần Thơ xác định đây là Đề án có quy mô lớn, cần bắt tay vào thực hiện ngay lập tức. Trong đó, tập trung vào công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở, nhất là các khuyến nông viên, nông dân, hợp tác xã nằm trong vùng Đề án.
Cần Thơ cũng đã xây dựng, bước đầu nhân rộng các mô hình nằm trong phạm vi của Đề án. Ví dụ như sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng các công nghệ để xử lý rơm rạ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Kiên Giang cũng là địa phương đã và đang tích cực triển khai Đề án. Tại Diễn đàn tổ chức ngày 23/11, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, tỉnh đã triển khai bài bản 12 mô hình lúa phát thải thấp và xây dựng 116 tổ khuyến nông cộng đồng.
“Tỉnh ủy cũng chỉ đạo UBND xây dựng kế hoạch cụ thể đến năm 2030. Dựa trên tình hình thực tế của từng hợp tác xã và từng vùng sinh thái, xác định diện tích phù hợp để tham gia đề án và tạo cơ sở để mở rộng quy mô trong tương lai…” - ông Nghĩa nói thêm.
Để hỗ trợ các mô hình theo Đề án của Chính phủ, Giám đốc Agribank Chi nhánh Cần Thơ 2 Trương Hoàng Hải cho biết, Agribank hiện là ngân hàng chủ lực với tổng dư nợ đạt 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 65% tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đại diện lãnh đạo Agribank Cần Thơ 2 cũng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, đảm bảo cung ứng vốn cần thiết để triển khai dự án. Đến cuối năm 2025, Agribank sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc thực hiện Đề án này.
Cần thêm giải pháp nhân rộng
Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là cắt giảm lượng giống và một số mô hình đã đưa lượng giống sử dụng xuống chỉ còn 70 - 80kg/ha mà vẫn đảm bảo được năng suất, thậm chí năng suất còn vượt trội hơn.
Cũng theo TS Trần Ngọc Thạch, những mô hình tương tự thế này đã được triển khai từ năm 2015, thậm chí có nơi đã giảm xuống đến 40 kg/ha. "Nhưng tại sao vẫn chưa thể nhân rộng mô hình?", Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nêu câu hỏi.
Chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết, TS Trần Ngọc Thạch đồng thời khuyến nghị phải đảm bảo được mặt bằng và khả năng thoát nước của đồng ruộng; nâng cao năng suất cho máy sạ cụm, sạ hàng. Cùng với đó là nghiên cứu khả năng ứng dụng sạ bằng drone để thúc đẩy năng lực xuống giống.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho rằng mặc dù trên thực tế, lúa gạo Việt Nam không thua kém chất lượng so với bất cứ nước nào, song giá trị chưa được nâng cao.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt, có 12/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện chương trình 1 triệu héc-ta lúa (trừ Bến Tre do diện tích không còn). Khoa học kỹ thuật cũng đang phát triển mạnh ở vựa lúa lớn nhất cả nước. “Chỉ cần có khoa học kỹ thuật phù hợp thì sự phát triển sẽ mặc nhiên nhanh chóng” - ông Tùng nói.
Cũng bởi vậy, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh trong giai đoạn tới, để xây dựng, phát triển và nhân rộng được các mô hình lúa chất lượng cao và phát thải thấp, cần tiếp tục chú trọng đào tạo và chuyển giao công nghệ, xem đây là chìa khóa mở ra các cánh cửa, để hướng tới mục tiêu gạo Việt xanh, phát thải thấp”.
Tại Diễn đàn tổ chức ngày 23/11, các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đồng tình với quan điểm định hướng mục tiêu: trong tương lai, nhiệm vụ của Đề án vẫn là nhân rộng mô hình theo hướng chuỗi giá trị, cơ sở dữ liệu sinh thái, phát triển công nghệ, thay đổi hành vi, tăng cường năng lực.
“Để tối ưu quản lý, hệ thống canh tác, sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, cần tổng hợp một bộ dữ liệu đầy đủ về đất, dinh dưỡng cây trồng, cơ sở hạ tầng, quản lý rơm rạ… Ngoài ra, công nghệ và thực hành phải phù hợp với điều kiện từng vùng chuyên biệt, thúc đẩy ứng dụng số để hỗ trợ kết nối nông dân và doanh nghiệp, xây dựng mô hình và kế hoạch kinh doanh minh bạch, rõ ràng, tạo được sự tin tưởng của ngân hàng để vay vốn thuận lợi” - Trưởng ban Cơ giới, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) Nguyễn Văn Hùng.