Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đô vào các dự án chip bán dẫn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều điểm lợi thế, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường trọng điểm sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu. Việc “bắt tay” hợp tác đầu tư, sản xuất chip bán dẫn với các đối tác đã được doanh nghiệp Việt thực hiện.

Hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn

Những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận các cơ hội và phát triển một cách hiệu quả.

HANSIBA và N&G Group ký Thỏa thuận hợp tác với NIC. Ảnh: Hoàng Anh
HANSIBA và N&G Group ký Thỏa thuận hợp tác với NIC. Ảnh: Hoàng Anh

Trong chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại, chip bán dẫn đóng vai trò then chốt. Với quy mô thị trường chip bán dẫn lớn khiến các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều tập trung phát triển và Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Đơn cử, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 tại Bắc Giang tháng 9 vừa qua. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Dự kiến năm nay doanh thu đạt 300 triệu USD. Đến 2025, doanh nghiệp có kế hoạch tăng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tới tháng 10/2023, nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) khánh thành tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 đạt 1,6 tỷ USD.

Kiểm tra vi mạch ở gian hàng của Canon trong một triển lãm tại Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Kiểm tra vi mạch ở gian hàng của Canon trong một triển lãm tại Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

Trước đó, tháng 6, Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) đã ký hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc” tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP). Hai bên cùng với các đối tác lớn hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho phát minh - sáng chế - sản xuất - ứng dụng các sản phẩm Micro-chip tiêu chuẩn công nghệ cao.

Không dừng lại ở đó, ngày 11/10, N&G Group và Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cùng với Hội đồng Doanh nhân Cheongju (CEC) - Hàn Quốc và Đoàn Doanh nghiệp hội viên CEC tiếp tục hợp tác đầu tư, sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn, bo mạch điện tử, cơ khí chính xác cho ngành điện tử...

Chủ tịch HANSIBA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G Nguyễn Hoàng chia sẻ, N&G Group còn có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi, dặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vi mạch, bán dẫn, sản phẩm cho ngành ô tô điện, linh kiện điện tử và hàng không, máy bay không người lái… với công nghệ cao hướng tới sản phẩm chip bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam. “Việt Nam có lợi thế hút các doanh nghiệp trên thế giới đầu tư với cơ sở hạ tầng tốt, lực lượng lao động trẻ, có trình độ đáp ứng được các điều kiện sản xuất chip bán dẫn” – ông Nguyễn Hoàng nói.

Đồng bộ hệ sinh thái

Để thực hiện hiệu quả các hợp tác, ông Nguyễn Hoàng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất mong các chính sách ban hành kịp thời, sát thực tiễn làm điểm tựa để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước mắt, có thể thí điểm thực hiện với lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn đang rất bức thiết. “Chính phủ đang quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt cần đổi mới mạnh mẽ hơn theo đúng định hướng, đổi mới công nghệ để sản xuất chip bán dẫn” – vị này nói.

Công nhân trong phân xưởng nhà máy của Samsung Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân trong phân xưởng nhà máy của Samsung Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội, đủ năng lực để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã và đang xây dựng ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước, cũng như thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp sản xuất tham gia. Đó chính là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. “NIC và các khu công nghệ cao sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam” – Bộ trưởng khẳng định.

Phó Giám đốc NIC Võ Xuân Hoài cho biết, hiện thực hóa các hợp tác trong lĩnh vực chip bán dẫn, NIC đang xây dựng hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. NIC cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo dự kiến sớm đi vào hoạt động.

Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, các bộ, ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư vào năm 2030.

 

Sơ bộ nghiên cứu, Bộ KH&ĐT đề xuất 3 trụ cột chính nhằm đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Đầu tiên mang tính lâu dài là đào tạo đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao với sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học. Thứ hai, đào tạo kỹ thuật viên và thứ ba là thu hút nhân tài làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn.