Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xét về tỷ trọng nguồn điện tái tạo trong cơ cấu, Việt Nam ở top 5% các nước trên toàn thế giới.

Tiềm năng về tái tạo

Nhấn mạnh đến vấn đề năng lượng, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam và AmCham Hà Nội John Rockhold cho biết: các doanh nghiệp thành viên đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ mang các dự án điện và năng lượng chất lượng cao, cũng như công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến đến Việt Nam.

Điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Khắc Kiên
Điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Khắc Kiên

Đánh giá cao sự chuyển đổi mang tính chiến lược bền vững, ông cho biết, Việt Nam được cho là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ năng lượng tái tao sạch với giá cả hợp lý. Tỷ lệ nguồn điện từ năng lượng tái tạo cung ứng cho người tiêu dùng Việt Nam lên tới 65%. Thời gian qua, có hơn 40% nguồn điện được sản xuất từ năng lượng tái tạo.

Điều này đưa Việt Nam vào top 5% các nước trên toàn thế giới, xét về tỷ trọng nguồn điện tái tạo trong cơ cấu nguồn. Nhận thấy sự chuyển mình và tiềm năng lớn mạnh của Việt Nam, các thành viên AmCham tăng cường sự hiện diện và đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trường của nền kinh tế Việt Nam. Hiện Hoa Kỳ đã trở thành một trong những quốc gia có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

Điện gió còn nhiều tiềm năng phát triển.
Điện gió còn nhiều tiềm năng phát triển.

“Việc phát triển chuỗi cung ứng, mục tiêu cung cấp điện giá thành hợp lý, đáng tin cậy và bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là quan trọng. Các nhà đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực điện và năng lượng giúp phát triển toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng” - ông John Rockhold nhấn mạnh.

Tăng cường các giải pháp năng lượng xanh

Theo ông John Rockhold, điều quan trọng đối với nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ khi lựa chọn Việt Nam là khả năng tiếp cận nguồn điện từ năng lượng tái tạo, cân nhắc đến các giải pháp năng lượng xanh.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị của T&T Group. Ảnh: Khắc Kiên
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị của T&T Group. Ảnh: Khắc Kiên
Để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá thành phù hợp, đáng tin cậy và bền vững về mặt xã hội. Quá trình này sẽ yêu cầu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài, các dự án cần phải thực tế và có khả năng sinh lợi để thu hút vốn.

Các dự án lưới điện mới sẽ thu hút đầu tư và nâng cao quy mô công suất của các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam, cung cấp nguồn năng lượng an toàn và đáng tin cậy cho người dân và doanh nghiệp. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện tái tạo và khách hàng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ hữu ích cho các bên trong trường hợp không sử dụng lưới điện quốc gia, hay trường hợp sử dụng lưới điện quốc gia với sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và sẽ được trả một mức phí cho việc sử dụng lưới điện.

Hiện nay, đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực sản xuất điện từ LNG rất hấp dẫn trong việc cung cấp, tái hóa khí, xây dựng, vận hành và cung cấp tài chính. Đại diện Amcham đề xuất quy trình lựa chọn nhà đầu tư nên tuân theo các thủ tục đấu thầu minh bạch, phù hợp với cả tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Các nhà thầu phải chứng minh sở hữu hàng tỷ USD vốn cổ phần và tài chính, đảm bảo các hợp đồng cung cấp LNG dài hạn, các chuyên gia giàu kinh nghiệm về thiết bị đầu cuối và đầu tư nhà máy điện, khả năng chuyển đổi sang Hydrogen xanh khi đạt được tính khả thi về mặt kinh tế.

Vì thế, một dự án của doanh nghiệp Mỹ đã sẵn sàng triển khai, chờ ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Cũng theo đại diện Amcham, thông qua việc hợp tác với Hội đồng Thành viên Hoa Kỳ và các thành viên, EVN, công ty thành viên GENCO có thể ứng phó với những vấn đề phát sinh và đảm bảo được nguồn điện chạy nền.

Việc hợp tác sẽ tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt về chuyển đổi nhiên liệu cho điện than, tiếp sau đó là khí và LNG trong trung hạn. Với công nghệ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm ít nhất 46 triệu tấn khí thải, vượt xa cam kết giảm 9% khí thải vào năm 2030.

Thay vì đầu tư vào các công nghệ có năng suất thấp, độ tin cậy thấp, chi phí dự án cao, Việt Nam có thể tiết kiệm tới 12 tỷ USD vào năm 2030 bằng cách sử dụng công nghệ. Số tiền tiết kiệm được có thể tái sử dụng vào các sáng kiến và dự án đầu tư khác nhằm giảm dấu ấn carbon trong hoạt động sản xuất và phân phối điện.

“Quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này. Chuỗi cung ứng này bao gồm từ các xưởng đóng tàu và đúc thép cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi” - Chủ tịch AmCham Việt Nam nói.