Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy, đến nay, Thanh Trì có 6 xã được TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, mục tiêu đến hết năm 2014, huyện có thêm 4 xã hoàn thành xây dựng NTM đang là thách thức lớn đối với chính quyền và người dân huyện Thanh Trì.

Bộn bề khó khăn

Là xã đầu tiên hoàn thành dồn điền đổi thửa của Thanh Trì, nhưng đến thời điểm này, Vĩnh Quỳnh mới tiến hành cấp 24.000 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo Nghị định 64/2001/NĐ-CP. Trong đó, vướng mắc lớn nhất mà xã gặp phải là đối với những trường hợp hộ dân có sổ đỏ nhưng đã thế chấp để vay vốn ngân hàng thì việc thu hồi còn gặp nhiều lúng túng bởi trong văn bản chưa có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp này. Còn xã Hữu Hòa cũng gặp không ít khó khăn để hoàn thiện các tiêu chí còn lại do phần lớn diện tích đất của xã nằm trong Quy hoạch Khu đô thị S4 của TP. Điều đáng nói là hiện nay, xã có tới hơn 100ha (đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch) không thuộc diện được ưu tiên theo Quyết định 16 nên không khuyến khích được người dân sản xuất. Tình trạng dự án vẫn "nằm chờ" trong khi đất bị bỏ hoang đã gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực nông nghiệp. Hay như xã Tả Thanh Oai cũng gặp nhiều trở ngại khi thực hiện nhóm tiêu chí trường học. Hiện, các hệ thống trường học của xã đang bị quá tải bởi xã có hơn 40.000 trẻ em trong độ tuổi đến trường, thêm vào đó là 16.000 trẻ em ở Khu chung cư Đại Thanh đến học tại các trường của xã. 

Đối với Yên Mỹ - một trong những xã thuộc khu vực ngoài đê của huyện Thanh Trì cũng trong trạng thái "tiến thoái lưỡng nan" bởi trường THCS của xã có nguy cơ không thể đạt chuẩn chỉ vì thiếu hạng mục nhà đa năng. "Trường học nằm trong hành lang phân lũ của TP nên Sở NN&PTNT Hà Nội không cho phép xây dựng, sửa chữa tại khuôn viên bởi làm như vậy xã sẽ vi phạm Luật Đê điều" - Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết. 

Từng bước gỡ khó

Thực tế hiện nay cho thấy, các xã chưa hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM đều đang gặp khó về nguồn vốn. Trong khi, các tiêu chí đang thực hiện như giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đều đòi hỏi nguồn kinh phí lớn mới có thể hoàn thành. Theo bà Chu Nguyên Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, để đạt được mục tiêu trong năm 2014 có 4 xã về đích là Thanh Liệt, Tam Hiệp, Liên Ninh và Yên Mỹ, huyện sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, trọng tâm là các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, giáo dục... Song để hoàn thành khối lượng công việc nêu trên, huyện mong muốn được TP, các ban, ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là bố trí nguồn kinh phí đối với các tiêu chí khó đạt đặc thù của từng xã ở khu vực trong đê và ngoài đê.   

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục rà soát, chấm điểm các tiêu chí đối 9 xã đạt từ 14 - 19 tiêu chí để sớm có đề xuất với TP điều chỉnh giãn tiến độ xây dựng NTM cho hợp lý. Huyện cũng kiến nghị TP điều chỉnh lại Hướng dẫn số 456/HD - SNN ngày 11/12/2013 của Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cụ thể, điều chỉnh không cộng điểm đối với tiêu chí trường học, bởi để tất cả các trường học đều đạt chuẩn quốc gia đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư xây dựng hạn chế. Cũng theo bà Chu Nguyên Thành, hiện các thôn trên địa bàn các xã trong huyện đều có nhà văn hóa nên việc xây dựng trung tâm văn hóa đối với nhiều xã chưa thực sự cần thiết, nên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình mang tính cấp thiết hơn. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần