5 tháng đầu năm, chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 1.935 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành y tế quản lý 732 cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh; ngành nông nghiệp quản lý 407 cơ sở; ngành công thương quản lý 630 cơ sở. Ngoài ra, huyện có 2 siêu thị, 5 cửa hàng tiện ích, 8 chợ với tổng số 378 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ.
Với dân số trên 190.000 người, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng như bếp ăn trường học trên địa bàn.
Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (từ 15/4 - 15/5), Ban Chỉ đạo ATTP huyện và 16 xã, thị trấn đã thành lập 17 đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quản lý, theo phân cấp. Tổng số cơ sở được kiểm tra, giám sát trên toàn huyện là 373 cơ sở.
Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, số cơ sở đạt là 361/373 cơ sở, chiếm tỷ lệ 96,7%. Số cơ sở vi phạm hành chính là 12 cơ sở. Trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã kiểm tra 322 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền phạt hơn 5,5 triệu đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện kiểm tra 51 cơ sở, xử phạt hành chính 6 cơ sở với số tiền 25 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện Đan Phượng đã tổ chức kiểm tra công tác triển khai bảo đảm bảo ATTP của Ban Chỉ đạo ATTP xã Đan Phượng và xã Đồng Tháp. Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã tiến hành tổ chức xét nghiệm nhanh 532 mẫu thực phẩm, tỷ lệ mẫu đạt chiếm 92%. “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh sự cố gây mất ATTP, ngộ độc thực phẩm” – ông Hoàng Minh Đức cho biết thêm.
Cũng trong Tháng hành động vì ATTP, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra hệ thống siêu thị Winmart trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Qua kiểm tra cho thấy, thực phẩm nguyên liệu đầu vào được ghi đầy đủ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, bảo quản rau, hoa quả, thịt sống theo đúng quy định… Tuy nhiên, Đoàn cũng lưu ý nhiệt độ trưng bày một số sản phẩm đông lạnh chưa đáp ứng phù hợp tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhận định, công tác bảo đảm ATTP của huyện Đan Phượng được quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt.
Nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn
Để huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như người dân, DN, các cơ sở, sản xuất, kinh doanh trong bảo đảm ATTP, công tác truyền thông được huyện Đan Phượng rất quan tâm.
Theo đó, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức truyền thông trên hệ thống đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn với tần suất 2 buổi/ngày, tập trung vào nội dung về chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn sẵn bày bán ngoài chợ bảo đảm vệ sinh...
Từ đầu năm đến nay, Phòng Y tế huyện phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi huyện tổ chức 10 lớp truyền thông về ATTP với số lượng 913 người tham gia. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP, toàn huyện đã tổ chức 4 buổi truyền thông về ATTP với 305 hội viên nông dân, phụ nữ.
Cùng với đó, các xã, thị, trấn tăng cường công tác truyền thông với 52 bài viết tuyên truyền; đã phát thanh 688 lượt trên hệ thống loa truyền thanh xã, thị trấn; cấp phát 2.700 tờ rơi tuyên truyền về chủ đề Tháng hành động vì ATTP…
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo đảm ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, công tác ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ngành (y tế, kinh tế, công an, quản lý thị trường, thú y...) nên đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, hiện nay cán bộ làm công tác bảo đảm ATTP ở cấp huyện, xã còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, các cơ sở thực phẩm do xã, thị trấn quản lý chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra.
Lãnh đạo huyện Đan Phượng kiến nghị TP, Sở Y tế tiếp tục hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP tuyến huyện, xã, thị trấn. Đặc biệt là tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia điều tra, giám sát, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại tuyến xã.
Cùng với đó, huyện Đan Phượng đề nghị Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai chương trình minh bạch thông tin điện tử cho các dòng sản phẩm nông sản an toàn và cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm TP Hà Nội.
Đồng thời phát triển chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn của Hà Nội và các tỉnh, nâng cấp bảo trì phần mềm ATTP để tra cứu thông tin sản phẩm, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thuộc ngành y tế quản lý…
Thời gian tới, huyện Đan Phượng tiếp tục quyết liệt trong công tác kiểm tra ATTP cũng như đẩy nhanh tiến độ mua test xét nghiệm nhanh. Huyện mong muốn TP hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, kiểm tra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng